Đại Lễ Tết Giáp Thìn Feb 11, 2024

Lãnh đạo theo quan điểm Phật Giáo – ĐĐ Thiện Minh

thienminhNam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính bạch Thầy trụ trì Tu viện Tường Vân!

Kính bạch Chư tôn đức Tăng!

Kính thưa các hành giả Phật tử!

Sư rất hoan hỷ và vinh dự được Đại đức Thích Phước Tiến mời thuyết giảng cho các Phật tử trong khóa tu tại Tu viện Tường Vân.

Đại hội Phật giáo toàn quốc vừa bế mạc hôm qua. Sư và đại đức Phước Tiến cùng đi dự đại hội, gặp nhau tại Thủ đô Hà Nội. Cách đây hơn 10 năm, Sư và đại đức Phước Tiến cùng đi giảng ở những Trung tâm cơ nhỡ theo lời mời của Ban Từ Thiện - Báo Công an TPHCM. Sau này ít có dịp gặp lại. Lần này thấy thầy Thích Phước Tiến không phải là Thích Phước Tiến như ngày xưa. Xưa thầy Phước Tiến nhìn có vẻ mảnh mai hơn bây giờ. Thầy trụ trì chùa lớn nên bây giờ tướng cũng lớn hơn xưa, người ta gọi là phát tướng. Cách đây 10 năm, lần đầu tiên Sư biết đại đức Phước Tiến, khi hai huynh đệ cùng giảng pháp tại các Trung tâm cơ nhỡ, sư đã thấy mình giảng ‘yếu’ quá vì cách đây 10 năm, đại đức Phước Tiến giảng pháp rất hùng hồn, sinh động. Hôm nay về đây giảng pháp, gặp đại đức Phước Tiến ở một ngôi chùa lớn như thế này, sư lại thấy thầy Phước Tiến như đang ở trên cung trăng còn mình thì ở dưới đất. Cách đây 10 năm sư đã thấy mình nhỏ bé so với đại đức Phước Tiến. Mỗi người đều có duyên phước riêng. Ngẫm đi ngẫm lại, số kí lô trên thân người sư thiệt sự cũng ‘yếu’ hơn, nhẹ hơn bên kia rất nhiều.

Thưa quý vị!

Nói về lãnh đạo theo quan điểm Phật giáo nghe có vẻ xa lạ với khóa tu Một ngày an lạc. Một ngày an lạc thì sống làm sao an lạc là thành công. Chúng ta đến đây để có sự an lạc. Qúy vị nghe pháp thấy an lạc. Chúng tôi giảng pháp thấy an lạc. Như vậy là một ngày tu an lạc. Nếu chúng ta đến đây mà tâm luôn căng thẳng, bực bội, khó chịu, bức xúc thì thế nào cũng lên ‘tăng xông’, hoặc bị tiểu đường. Hãy biết cuộc đời ngắn ngủi nên đừng quan trọng hóa vấn đề. Không những chúng ta đến đây an lạc mà về gia đình, công ty cũng an lạc. Nụ cười luôn nở trên môi, khuôn mặt lúc nào cũng nhẹ nhàng, tươi vui chứ không ‘chằm dằm như thịt bằm nấu cháo’. Về nhà thấy người thân, ta cười tươi. Trong lòng ta an lạc ta mới cười tươi được. Nếu không có an lạc trong lòng ta sẽ cười méo mó, cười ruồi, cười cầu tài, cười vô duyên. Đại đức Phước Tiến cười rất có duyên nên sư nghĩ chính nụ cười này đã giúp Thầy xây được ngôi chùa to như thế này. Vì khi Thầy cười thấy an lạc quá nên Phật tử mới rủ nhau về đây tu đông như vậy. Làm trụ trì mà mặt hằm hằm thì ai dám vô chùa tu?

Lãnh đạo theo quan điểm Phật giáo như thế nào?

Đức Phật thuyết trong Tiểu bộ kinh, trong kinh Bổn sanh có 10 quan điểm của một nhà lãnh đạo. Nhà lãnh đạo có thể là lãnh đạo quốc gia, công ty, văn phòng, trường học, xí nghiệp, ngôi chùa. Gần gũi nhất là lãnh đạo gia đình của mình. Tổ chức nào cũng cần có lãnh đạo tốt. Đức Phật ngài dạy nếu một nhà lãnh đạo có 10 pháp này thì quốc gia đó thịnh vượng, công ty phát triển, ngôi chùa hưng thịnh. Nếu lãnh đạo công ty thất bại thì công ty phá sản. Nếu lãnh đạo ngôi chùa thất bại, thì chùa chỉ có một mình trụ trì ở, một người một cõi thì không thể phát triển giáo pháp. Do vậy, muốn lãnh đạo tốt, người lãnh đạo phải biết 10 pháp sau đây:

1/ Lãnh đạo phải có tâm rộng lớn.

Tâm rộng lớn ám chỉ sự giúp đỡ, sự bao dung, bố thí. Sự giúp đỡ càng rộng lớn chừng nào thì sự phồn thịnh càng nhiều chừng ấy. Nếu người lãnh đạo có tâm keo kiệt, bỏn xẻn sẽ làm cho tổ chức bị hỏng, làm cho người khác không đến với mình được, mình cũng không đến với người ta được.

Qúy vị đi chùa thường thấy hình ảnh vị bồ tát thiên thủ thiên nhãn- nghìn mắt nghìn tay. Nhưng làm sao chúng ta có được nghìn mắt nghìn tay như vậy? Qúy vị tu tốt sẽ có được thiên thủ thiên nhãn. Đó là do ta có được tâm rộng lớn, tâm bố thí cúng dường, tâm bao dung từ ái thì tự nhiên ta có chất liệu của thiên thủ thiên nhãn, làm việc gì cũng có nhiều người cùng chung lo. Đại đức Phước Tiến tổ chức khóa tu quy mô như thế này chắc chắn phải có thiên thủ thiên nhãn mới làm được. Khi tâm ta không ích kỷ, ta sẽ có năng lực lớn, có thiên thủ thiên nhãn để làm được nhiều việc có ích cho cuộc đời. Trong kiếm hiệp ta thấy những vị chưởng môn thường có cách thu phục ‘kiếm sĩ’ trong giới giang hồ mà ngày nay ta gọi là chiêu hiền đãi sĩ. Trong nhà Phật nói phải có tâm rộng lớn, tâm vị tha mới đánh tan đi sự ích kỷ, hẹp hòi. Bởi vì bản năng con người do chấp ngã nên trong cuộc sống ta chỉ biết sống cho mình, làm bất cứ điều gì cũng nghĩ đến lợi ích cho mình trước. Cho nên bản chất phàm phu là hẹp lượng nên không bao giờ chiêu cảm được mọi người cùng chung lo với mình thì làm sao có thiên thủ thiên nhãn? Do vậy quý vị phải có tâm vị tha, bao dung. Cuộc sống vị tha, bao dung là cuộc sống đem lại cho tâm chúng ta sự an lạc. Ví như quý vị làm chủ hộ một gia đình với tâm bao dung rộng rãi lúc nào cũng muốn đem lại lợi ích cho những người chung quanh thì bà con cô bác mới đến nhà chơi. Ta vui vẻ nồng hậu đón tiếp, chớ nếu ta hững hờ quá thì không ai đến.

Lãnh đạo của một tổ chức phải có tâm rộng lớn để làm những điều lợi ích, đem lại an vui cho người khác. Tâm rộng lớn này sẽ lan tỏa giúp cho người lãnh đạo có được tính thiên thủ thiên nhãn, mọi người tự nguyện đi theo mình, trung thành với mình để giúp cho công ty, xí nghiệp, ngôi chùa phát triển ngày càng tốt hơn.

2/ Lãnh đạo phải có đạo đức.

Nếu người lãnh đạo không có đạo đức, không có giới hạnh thì bản thân người đó và tổ chức đó sẽ không tồn tại lâu dài. Qúy vị đọc sách, xem ti vi, phim ảnh về lịch sử thế giới xưa và nay biết rằng người lãnh đạo nào cũng phải cần có đạo đức.

Đạo đức nói lên tuổi thọ của một nhà lãnh đạo. Ông bà xưa nói: ‘Kính lão đắc thọ’. Có đạo đức tuổi thọ cao. Đạo đức hình thành ở thân khẩu ý.

Thân không làm chuyện ác. Khẩu không nói chuyện ác. Ý không nghĩ chuyện ác. Nếu hình thành thân, khẩu, ý thiện là có đạo đức. Thân không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Khẩu không nói dối, không chửi rủa, không nói lời đâm thọc. Ý không tham, không sân, không si. Đó là mẫu mực căn bản đạo đức của nhà lãnh đạo. Một lãnh đạo có thân, khẩu, ý bất tịnh không phải là lãnh đạo tốt. Nếu lãnh đạo một quốc gia, trụ trì một ngôi chùa, làm chủ một gia đình mà lời nói ác độc, dối láo hoặc thô lỗ, cộc cằn sẽ không thu phục được nhân tâm. Thành lập một ngôi chùa đã khó, điều hành một ngôi chùa tốt lại càng khó hơn.Trong những yếu tố giúp cho người lãnh đạo tồn tại lâu dài, yếu tố đạo đức bên trong con người ấy rất quan trọng.

3/ Lãnh đạo phải có tâm khoáng đạt, tâm hào phóng, tâm vị tha, tâm bao dung.

Nói cách khác, nhà lãnh đạo phải có tâm từ bi hỷ xả. Cha mẹ đối với con cái, thầy trụ trì đối với Phật tử, lãnh đạo quốc gia đối với dân chúng, giám đốc đối với công nhân viên… phải có tâm từ bi hỷ xả, đó là chất liệu cần thiết cho người lãnh đạo.

Từ là tâm chẳng sân si

Bi là thương hết không vì một ai

Hỷ là vui vẻ hài hòa

Xả là xóa hết đắng cay u buồn

Tâm từ đối trị với tâm sân giúp ta không bị bệnh tim. Tâm bi đối trị với tâm độc ác giúp ta không bị bệnh gan. Tâm hỷ đối trị với tâm ích kỷ giúp ta không bị bệnh táo bón. Tâm xả đối trị với tâm cố chấp, tâm dính mắc giúp ta không bị bệnh đường ruột, bao tử. Cái tâm ứng với thể trạng của chúng ta. Trong phong thủy có ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa ,thổ) ứng cho ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận) ứng cho ngũ vị (mặn, ngọt, chua, cay, đắng) ứng với ngũ sắc (xanh, vàng, trắng, đỏ, đen). Ngũ tạng là 5 thứ đều có tàng chứa tinh khí. Tinh khí là cơ sở hoạt động của thân mạng dưới sự thống lĩnh của tâm. Do vậy ảnh hưởng của tâm đối với sanh mạng rất lớn. Những ai hồi hộp, lo âu, mất ngủ, tim đập nhanh, nói sảng, cười vu vơ, hôn mê .v..v… phần nhiều là bệnh của tâm. Cho nên tâm mất quân bình thì lục phủ ngũ tạng sẽ nguy khốn, sắc pháp nhợt nhạt, mặt sạm đen khô như củi.

Cho nên mục tiêu của chúng ta tham dự khóa tu ‘Một ngày an lạc’ là để đạt được cái tâm hiền thiện nuôi dưỡng cho sanh mạng ngày càng tươi tốt. Phật pháp có 84 vạn pháp môn. Trong tất cả 84 vạn pháp môn ta thực tập pháp môn thiện nào cũng được. Miễn là pháp môn đó giúp tâm an lạc làm lợi ích cho mọi người là được. Từ tâm thiện sanh ra phước. Có tâm thiện rồi thì tất cả đều thiện. Tu một ngày an lạc để ta chuyển hóa thân tâm giúp cho gia đình hạnh phúc. Sống với Phật pháp ta có sự an lạc. Nếu ta không an lạc thì bị cái tâm ích kỷ, cống cao ngã mạn thiêu đốt mình. Có người ngồi đây tu nhưng tâm lo nghĩ sợ ông chồng đẹp trai ở nhà đi chơi với người khác. Đó là ta bị cái tâm ghen tuông thiêu đốt mất rồi.

Do vậy, quý vị biết tất cả đều do nhân duyên, nghiệp lực vận hành. Nếu tâm không bình tĩnh thì sẽ hành động không tốt. Một người an lạc sẽ luôn thể hiện tâm từ bi hỷ xả đối với người thân, bạn bè. Một ngày không an lạc là ngày đó ta đang đau khổ với chồng, đang phẫn nộ với con cái, thật uổng phí một ngày quý báu trong cuộc đời biết bao.

4/ Lãnh đạo phải có tính trung thực.

Ngay thẳng trung thực với mọi người. Pháp chân thật là món quà quý cho con người của chúng ta. Chân thật là bùa hộ mệnh. Nhà lãnh đạo thiếu pháp chân thật, trung thực sẽ không lãnh đạo lâu dài. Nhà lãnh đạo phải luôn ghi nhớ trong tâm tính trung thực, chân thật. Tâm chân thật và tâm thiện thường đi đôi với nhau. Người làm việc thiện không có điều gì phải che dấu hoặc dối trá.

Người Phật tử đã quy y rồi nếu không trung thực là phạm giới. Mất pháp chân thật này thì coi như ta đã chết rồi mà chưa chôn. Qúy vị hãy tập sống chân thật. Người chân thật thường làm việc thiện, việc đúng, khi có lỗi họ biết nhận lỗi. Người không chân thật là người nói dối, là nói không đúng sự thật. Chính vì vậy tâm của người không chân thật rất mệt mỏi vì họ luôn đặt điều, vọng tưởng khởi mãi thì sắc pháp héo hon, đường tu của người ấy khó bền. Nếu người sống chân thật, tâm không lo lắng, sợ hãi, sắc pháp tươi thắm tự nhiên. Qúy vị biết rằng càng có địa vị cao trong xã hội người ta càng có ý thức giữ gìn uy tín. Chữ tín hay nói khác đi là sự thật có sức mạnh lạ kỳ. Vì dù có che đậy thì sự thật bao giờ cũng là sự thật. Do vậy tốt nhất là quý vị hãy sống chân thật, đừng sống quanh co, dối láo mà đánh mất niềm tin nơi người khác.

Trong 101 truyện Thiền Nhật Bản có câu chuyện về thiền sư Ban kei. Chuyện kể rằng sau khi thiền sư Bankei qua đời, một người mù sống gần chùa của thiền sư nói với một người bạn: ‘Bởi vì tôi mù, tôi không thể quan sát sắc mặt người ta nên tôi phải xét tư cách của họ qua giọng nói. Thường thì khi tôi nghe một người chúc mừng người khác về chuyện vui hay thành công nào đó, tôi cũng nghe một âm bí mật của ganh tỵ. Khi chia buồn với người khác về mất mát của họ, tôi cũng nghe cái thích thú và thỏa mãn, cứ như người chia buồn thật sự vui vì có cái gì đó để lại cho họ hưởng trong thế giới riêng của họ. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi thì giọng nói của Bankei luôn luôn thành thật. Khi thiền sư bày tỏ hạnh phúc, tôi chẳng nghe gì khác ngoài hạnh phúc, và khi thiền sư bày tỏ buồn rầu tôi chẳng nghe gì khác ngoài buồn rầu.

Cho nên nói chân thật là bùa hộ mệnh của mỗi chúng ta là vậy. Nếu khen thì khen thành thật, đừng khen dối. Khi dối láo, người bị hại đầu tiên là chính mình vì nó làm tổn thương chính nhân cách của mình, sau đó hại người vì ta cho người ăn bánh vẽ. Cho nên im lặng là vàng, lời nói là bạc, nói thành thật là hột xoàn kim cương. Chúng ta sống thế nào để lời nói bên ngoài và suy nghĩ bên trong của mình là một. Dĩ nhiên nếu tâm đang có suy nghĩ tăm tối, bất thiện thì không thể giã vờ sáng trong bên ngoài được. Cho nên tâm phải thiện, phải lành, phải chân thật mới có khuôn mặt sáng rỡ, hiền hòa được.

Người có tâm chân thật và trung thực giống như đeo thêm đồ trang sức quý báu trở thành xinh đẹp lộng lẫy khiến cho ai cũng phải nhìn. Ông bà xưa nói: ‘Cái nết đánh chết cái đẹp’ cũng là để ca ngợi giá trị đạo đức bên trong. Người nổi tiếng có địa vị, giàu sang, uy quyền nếu không có pháp trung thực, chân thật thì tự nhiên hình ảnh sẽ sụp đổ trong lòng công chúng cũng như tự mình phế bỏ cuộc đời mình. Pháp chân thật, trung thực giúp cho người lãnh đạo chiêu cảm mọi người tự nguyện, trung thành đến với họ. Cha mẹ, chồng vợ, anh em… nếu đánh mất pháp chân thật, trung thực thì cuộc sống chung với nhau sẽ thiếu sự thông cảm, mất đi tình yêu thương.

Người Phật tử phải tu luyện để có pháp chân thật, trung thực trong tâm. Khi quy y rồi, trở thành Phật tử rồi phải nguyện có pháp chân thật trong tâm. Dù hình thức quý vị không đẹp nhưng trong tâm quý vị có pháp chân thật, trung thực thì mọi người luôn kính trọng quý vị, muốn gần gũi quý vị. Người ta nói có tiền mua đồng hồ nhưng không mua được thời gian. Có tiền đi bác sĩ nhưng không mua được sức khỏe. Ta không thể mua lòng trung thành mà chỉ có được nó bằng tình yêu thương chân thật mà thôi. Những ai sống giả dối sẽ không an vui vì cứ phải nghĩ ra thủ đoạn, đối phó, che đậy. Như vậy trái tim ta sẽ mệt, ta không khỏe, không trẻ mà mau già, ta đi bác sĩ dài dài, cuối cùng ta cũng héo mòn thôi dù ta có đi thẩm mỹ viện sữa chữa nhan sắc hằng năm. Khuôn mặt của ta tươi đẹp là do tâm ta thiện, tâm ta chân thật.

Đi chùa niệm Phật nhiều, ai cũng ngày càng đẹp tướng ra. Khuôn mặt đẹp, lời nói dịu dàng. Ngày xưa nói năng cộc cằn thô lỗ, một chút là gây gỗ với người khác. Bây giờ tu nhiều nên sửa cái tâm cũng nhiều do vậy cái tướng cũng thay đổi. Qúy vị hãy từ từ sửa đổi, từ từ tiến bộ, từ từ thành Phật lúc nào không hay. Ở ngoài xã hội, ta luôn gặp nhiều hạng người. Còn ở chùa ta học Phật pháp, gần gũi bạn đạo giúp cho ta chuyển hóa thân tâm ngày càng tốt hơn. Khi nào quý vị chuẩn bị gian dối, chuẩn bị ác độc với ai đó hãy nghĩ cuộc đời này sắp chấm dứt, vậy gian dối làm chi, có mang theo được gì đâu. Vậy cho nên chúng ta sống chân thật cho vui khỏe.

Trong truyện cổ có câu chuyện Đại đế Alexander nổi tiếng trước khi mất đã để lại chúc ngôn rằng: Sau khi ta chết, điều thứ nhất là những người tẩm liệm thi hài phải là các danh y nổi tiếng. Điều thứ hai là quan tài phải đục hai cái lỗ để hai tay ta thò được ra ngoài. Điều thứ ba là ngày đưa tang phải rải vàng bạc châu báu hai bên đường đi.

Nhiều người không hiểu tại sao vua lại có ý muốn những điều ‘không giống ai’ như vậy. Nhà vua bèn giải thích. Điều thứ nhất, danh y tẩm liệm thi hài để cho mọi người thấy rằng tất cả những danh y tài giỏi về thuốc thang bậc nhất cũng bất lực trước cái chết của mọi người. Điều thứ hai là đục lỗ để đưa hai tay thò ra ngoài quan tài cho mọi người thấy rằng ta đến với thế gian này bằng hai bàn tay trắng thì nay ta ra đi cũng với hai bàn tay trắng, không có gì nắm theo được cả. Điều thứ ba là rải ngọc ngà châu báu hai bên đường để cho mọi người hiểu được vạn sự trong cuộc đời này ‘của thiên trả địa’, đâu có cái gì là của ta.

Chúc ngôn của một vị đại đế thấm đẫm triết lý sâu xa cho ta suy gẫm về bản chất vô thường, khổ, vô ngã của đời người.

Do vậy, người Phật tử phải thiết lập pháp chân thật trong tâm dù trước mặt hay sau lung người, ta đều sống chân thật. Trong đời sống vợ chồng cũng vậy, nếu đánh mất pháp chân thật và trung thực thì không khí gia đình sẽ nặng nề dẫn đến nguy cơ đỗ vỡ gia đình.

Pháp chân thật là một trong sáu pháp lục độ để trở thành Phật. Nếu không chân thật ta không thành Phật tử tốt được vì chân thật là biểu hiện của đạo đức.

Phật tử phải thiết lập pháp chân thật. Trụ trì không có pháp chân thật sẽ mất đi sự tín nhiệm. Mỗi khi làm điều gian dối phải nhớ lời Phật dạy.

5/ Lãnh đạo phải có pháp hòa nhã.

Là có tính khí nhẹ nhàng, tránh xa kiêu căng, phỉ báng người khác, phải sống vui tươi, khoan thai, giản dị. Đức Phật dạy phải sống lục hòa, hòa nhã, sống hài hòa với mọi người. Qúy vị phải tu một ngày an lạc, một tháng an lạc, một năm an lạc để tập cung cách hòa nhã. Nếu thấy người ta muốn hơn mình thì cho người ta hơn, muốn dạy đời thì cho người ta dạy đời luôn. Người tu 20 năm nhưng có người mới tu hôm qua muốn dạy đạo, dạy thiền cho dạy luôn. Càng khiêm tốn ta càng yên thân. Con người ta giàu sang mà thể hiện phong cách không giàu thì người khác mới nể. Người ăn chay đi vào chỗ ăn mặn ta hòa hợp nhưng không hòa tan. Chúng ta thấy các bậc vĩ nhân càng nổi tiếng họ càng giản dị. Qúy vị ở tu viện Tường Vân tu một ngày an lạc, về sống gần gũi với mọi người, cho mọi người sự an lạc. Muốn độ ai phải sống gần người đó, sống hòa với người ta. Muốn sống hòa nhã phải có tâm đại bi bao dung. Tâm cao ngạo, khinh mạn không thể gần gũi, san sẻ với mọi người được.

Hòa nhã là một phương pháp tu tập. Ta tu Một ngày an lạc, về nhà ông chồng nổi sân thì ta cứ thủng thẳng mà nói với ổng rằng: Mỗi người mỗi tật. Ông chồng vẫn sân nhiều hơn thì ta thưa: Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát, tâm mỗi người mỗi khác. Ông chồng vẫn sân nhiều hơn nữa thì ta kính cẩn: Nam mô Đại Thế Chí mỗi người mỗi ý. Nếu ông chồng càng sân nhiều hơn nữa thì hãy nói: Nam mô A Di Đà Phật, con làm cái gì cũng trật. Đó là cách tốt nhất để chiến tranh không xảy ra trong gia đình, giữ được bầu không khí bình yên cho cả nhà.

Lời nói thể hiện nội tâm. Nội tâm ta luôn ở trong chánh niệm thì khi giao tiếp ta sẽ luôn có thái độ hòa nhà, lời nói hòa nhã. Đó cũng chính là trình độ tu tập của người con Phật.

6/ Lãnh đạo phải trừ bỏ nhục dục.

Người lãnh đạo phải biết làm chủ được mình, phải biết tự chế. Nhà lãnh đạo là người không làm gì hết nhưng biết những người chung quanh đang làm cái gì. Nhà lãnh đạo tốt biết mình nên làm gì, không nên làm gì, biết nên đến chỗ nào và không nên đến chỗ nào. Người tu hành đến phòng trà làm gì? Trong đạo, ‘hỗ ly sơn hỗ bại/ Tăng ly chúng tăng tàn’. Con hổ mạnh nhưng nếu nó bỏ rừng xuống thành thị nó sẽ bị giết. Ông thầy tu phải ở trong chùa. Xa rời hội chúng thì đời thầy tu cũng tàn theo, bị ma quỷ bắt mất.

Trong kinh điển Phật giáo có câu chuyện một ông quan được nhà vua tín nhiệm. Làm bất cứ việc gì nhà vua cũng tham vấn ý kiến của vị quan này. Trong triều đình, bá quan văn võ ai cũng nể phục vị quan tài năng và đức độ ấy. Nhưng đôi khi ông quan này nghĩ rằng: không biết người ta kính trọng, nể phục, thương mình, là do mình có những đức tính tốt hay người ta kính nể mình chỉ vì chức quan to. Nghĩ vậy ông bèn muốn làm một cuộc trắc nghiệm. Trong triều có kho báu của nhà vua. Hằng ngày ông quan này đi qua đi lại để thăm dò kho báu của nhà vua. Một hôm ông quan này lẻn vào bên trong kho báu của Vua ăn trộm một số của báu. Người ta bắt được ông với tang vật còn mang theo người. Quá thất vọng về một ông quan bấy lâu nay luôn được ngưỡng mộ, yêu mến, người ta thông tin cho tất cả mọi người biết về hành vi ăn trộm của ông quan và đòi vua phải xử tội ông quan này. Nhà vua rưng rưng nước mắt, hỏi ông quan rằng: “Tại sao khanh lại làm như vậy? Tất cả những gì khanh lấy trộm trong túi đây chẳng đáng là bao so với những gì ta đã cho khanh. Chỉ cần khanh nói cho ta biết hoặc chỉ cần một ánh mắt của khanh thôi ta cũng có thể biết khanh muốn gì và sẵn sàng ban cho khanh nhiều hơn thế nữa. Ta không hề tiếc với khanh bất cứ thứ gì nhưng sao khanh lại đi lấy trộm như vậy?” Ông Quan nói: “Tâu đại vương! Tội lỗi của hạ thần đáng chết. Vua cứ xử theo luật của triều đình. Hạ thần làm như vậy mới hiểu được lòng dạ con người rỏ hơn. Qua việc này hạ thần có được một bài học là người ta thương mình, kính trọng mình, ưu ái mình vì những đức hạnh, nhân cách đáng quý của một con người, chứ không phải do chức quan to của hạ thần. Ngày nay bệ hạ đã thấy được bản chất của sự việc. Nếu người ta kính trọng mình vì những phẩm hạnh cao quý thì một khi đánh mất những đức tính trong sạch đó thì mình cũng mất đi lòng kính trọng nơi mọi người.

Cũng vậy, một người xuất gia có uy tín nhưng nếu vi phạm lỗi lầm sơ đẳng của giới luật thì xuất gia cũng trở thành vô nghĩa. Một người có quyền có chức ở ngoài thế gian mà nếu đi sai đường lạc lối cũng đánh mất đi giá trị bản thân và chức quyền của họ.

Sở dĩ người ta thương kính ta là do ta có đạo đức nhân phẩm, biết tự chủ, có những đức tánh lành trong con người của ta. Đánh mất những điều đó ta sẽ bị tham ái đánh gục, cuộc đời ta sẽ trở thành vô nghĩa giống như lục bình trôi sông.

Chính vì vậy người tu phải giữ giới luật. Giới luật tạo nên đạo hạnh cho người tu. Đánh mất giới luật người tu không còn giá trị nữa. Từng lời nói, từng hành động của người tu lúc nào cũng trong giới và luật, nghiêm túc, đứng đắn nhưng chuyển tải lòng từ bi, yêu thương, sự tôn trọng của ta đến với người khác. Giống như một giám đốc được nhân viên trong công ty kính trọng. Nhưng người này lỡ đánh mất nhân phẩm, đạo đức, nhân viên trong công ty không tín nhiệm nữa. Một nhà lãnh đạo của quốc gia nếu không biết tự chế sẽ tự hủy hoại quyền lực cao quý, lòng kính trọng của dân chúng đối với mình. Qúy vị lái xe, tự biết mình đang điều khiển chiếc xe, hai bên đường xe cộ đông đúc, nếu không chánh niệm tỉnh giác, không chú ý quan sát thận trọng thì khó lòng về tới nhà an toàn. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Mỗi người phải có trách nhiệm làm chủ mình, biết bổn phận mình làm cái gì. Tự chế bản thân của mình ta sẽ trở thành nhà quản lý, lãnh đạo tốt.

7/ Lãnh đạo phải có pháp vô sân.

Vô sân là không nóng nảy, không giận hờn, không cau có, không tức giận vô căn cứ, Nếu người quản lý, nhà lãnh đạo có tánh tình sân si, cực đoan sẽ không bao giờ lãnh đạo tốt, quản lý giỏi được. Nóng nảy là khi tâm ta mất bình tĩnh dễ đưa đến những phản ứng tiêu cực. Sân là lúc cái ngã to đùng bị tổn thương. Ta là trí thức có nhiều bằng cấp mà bị kêu là người ngu tự nhiên nổi sân lên liền. Ta là người đẹp, là hoa khôi của trường mà bị chê là dáng đi xấu, mặt má bầu thì tự nhiên nổi sân trước những lời nhận xét như vậy. Mới đây báo chí đưa tin hai tỷ phú là anh em ruột thịt với nhau ở Ấn Độ vì bất đồng ý kiến trong việc chia gia tài nên đã nổi sân thách nhau đấu súng. Kết quả cả hai anh em đều thiệt mạng.

Các Phật tử đến với Phật giáo là học tinh hoa giáo lý của đạo Phật để ứng dụng trong cuộc sống. Gia đình có an lạc, công ty có an lạc, xã hội mới có an lạc. An lạc thiết lập trong tâm ta. Cho nên không sân là đức tính cần thiết nhưng không phải một ngày một bữa mà ta tập không sân được. Ngày chưa cưới, anh nói em nghe. Ngày mới cưới, em nói anh nghe. Một thời gian sau anh nói, em nói, hàng xóm nghe.

Đức Phật dạy người không sân phải là bậc thánh A La Hán. Tu là tập tâm không sân. Trụ trì có tâm không sân thì chùa mới có tăng chúng đông, Phật tử nhiều. Chủ nhà không sân thì trên môi luôn nở nụ cười, đem bình an đến cho mọi người, ai xa rồi cũng lưu luyến nhắc đến hoài. Người không sân lúc nào mặt cũng tươi cười an lạc. Qúy vị hãy cười nhiều hơn chút nữa. Răng cứng lưỡi mềm nhưng răng rụng trước lưỡi. Cho nên, ở đời cứng quá thì dễ gãy, dễ hư hỏng. Hãy sống vui vẻ, nhu thuận, mềm mỏng như nước, như gió. Ai sân nhiều, nổi giận nhiều nét mặt rất hung dữ, lỗ hang nhiều, nếp nhăn nhiều, lời nói to, hành động thô lỗ. Có người đệ tử giận quá chửi thề, văng tục với thầy mình luôn. Đó là giây phút hiện thân của A-tu-la, ngạ quỷ. Người nóng ‘giận quá mất khôn’ sẽ có những quyết định sai lầm. Câu ngạn ngữ xưa nói rằng: ‘Đừng bao giờ giong buồm ra khơi khi trời bão’. Khi ta giận dữ, mất tỉnh táo thì dễ có những hành động bất thiện làm mất tư cách đạo đức của con người. Tâm bất thiện, độc ác thì mặt xấu xí, hung tợn. Cho nên quý vị càng tu quý vị sẽ đổi tướng, sẽ đẹp hơn vì năng lượng bình yên trong tâm lan tỏa, ánh mắt dịu hiền hơn, nụ cười ấm áp hơn.

8/ Lãnh đạo phải có tâm vô hại.

Con người nhiều mưu mô, xảo quyệt sẽ không làm lãnh đạo được lâu dài vì không có uy tín. Đạo Phật dựa trên nền tảng nhân quả nghiệp báo. Nếu người có tâm ác độc, xảo quyệt không bao giờ có uy quyền lâu dài được. Tâm mưu mô, xảo quyệt rất nguy hại cho cuộc đời tu hành của chúng ta vì nó kéo mình đi xuống cửa địa ngục. Người có tâm thiện là thấy ai thành công bèn vui với niềm vui của họ, gởi hoa, gọi điện thoại chúc mừng. Nếu có tâm thù ghét, hại người, nói xấu người, chà đạp nhân phẩm đạo đức của người khác làm sao có thể làm người quản lý, lãnh đạo được vì nhân quả nghiệp báo. Nếu có tâm hoan hỷ an lạc, tâm vô hại sẽ tạo cho ta có uy quyền khiến người khác tự nhiên kính trọng. Phật giáo dạy người nào có tâm hoan hỷ, cung kính lạy Phật, không có tâm hại người thì sẽ có uy quyền, có sức mạnh nội tâm, có oai lực và đạo hạnh chiêu cảm mọi người. Cho nên đừng làm hại, đừng nói xấu người khác. Sự ganh ghét, đố kỵ, ích kỷ khiến ta dễ gây ra những hành vi bất thiện. Cho nên càng tu quý vị càng phải nuôi dưỡng tâm thiện lành, tâm vô hại. Người không tu chân chính suốt đời sẽ không làm được trụ trì vì làm trụ trì phải là người có tâm thiện vô lượng, có đạo đức sâu dày.

Trụ trì tốt sẽ giúp người ta tin Phật Pháp là tốt đẹp. Niềm tin đó là bước đi đầu tiên cho những ai muốn bước trên con đường giải thoát.

9/ Lãnh đạo phải có tâm nhịn nhục, nhẫn nại.

Nhịn nhục và nhẫn nại là pháp khổ hạnh tối cao. Chúng ta biết sức mạnh của trẻ em là tiếng khóc, sức mạnh của phụ nữ là nước mắt, sức mạnh của sa môn là nhịn nhục và nhẫn nại. Người tu phải có pháp nhẫn nại trong tâm thì đi đâu, làm gì cũng thành công. Cho nên nguời có tâm nhẫn nại, khiêm tốn ai cũng thương và nể phục. Ai hiểu lầm thì ta nói: Mô Phật con làm cái gì cũng trật. Từ bi hai chữ từ bi. Phật còn bị nạn huống chi thầy chùa.

Trong lịch sử, không phải lúc nào Phật đi đâu cũng được người ta tiếp đón, kính trọng, ủng hộ. Trong một lần, Đức Phật đi hoằng pháp bị thứ phi của vua Udena mướn người chửi mắng Phật 7 ngày 7 đêm. Đức Phật có mười hồng danh thì bà ta mướn người chửi Ngài bằng mười loại ngôn từ hạ tiện nhất, thô tục nhất. Nàng Chinh cha độn bụng vu oan cho Phật tại chùa Kỳ Viên. Người của một tôn giáo khác giết một cô gái để vu xấu Phật Thích Ca.

Phật từng khuyên Ananda: Như Lai là con ngựa chiến mỗi khi trở ngại thì Như Lai không chịu lùi bước và không ngần ngại lằn tên mũi đạn. Những người đang nguyền rủa Như Lai là những người đáng thương, cần có Như Lai tiếp độ nhất.

Chúng ta là con của Phật, cuộc sống của chúng ta phải giống như Phật, bắt chước hạnh của Phật. Nếu ta có bị đau khổ, bị thị phi, bị hiểu lầm thì hãy nhìn cuộc đời của Phật Thích Ca để tự an ủi mình để có đủ nghị lực, dũng cảm vượt qua những trở ngại đó. Cuộc sống càng đau khổ, thăng trầm, thất bại sẽ giúp ta có kinh nghiệm, có nghị lực, biết thông cảm với những đau khổ của người khác. Cuộc sống bình lặng quá, êm xuôi quá đôi khi làm chúng ta nông cạn, hời hợt, xa cách với những người chung quanh. Đau khổ, nhục nhã, hiểu lầm thì ta dùng khiêm tốn, nhẫn nhục vượt qua mới thấy hiểu được Phật pháp nhiệm mầu như thế nào.

10/ Lãnh đạo không đối lập.

Làm người lãnh đạo phải tránh thành kiến, nên đề cao hòa bình, trật tự. Ta sống với tâm tùy thuận. Đức Phật dạy tùy duyên. Sống tùy duyên là vui. Một ngày an lạc là sống tùy duyên. Ở chỗ nào thấy hết duyên thì ta đi. Chức vụ hết thì thôi không làm nữa, luyến tiếc làm chi cho ‘đường tăng’. Con người sống căng thẳng bức xúc sẽ bị bệnh. Bệnh tiểu đường phần lớn do trạng thái tâm lý bất ổn, do ăn uống không bình thường. Một ngày, một đêm an lạc giúp chúng ta thoải mái nên quý vị hãy sống tùy duyên.

Cô kia có chồng theo vợ bé, cô đi chùa than khổ, đòi ly dị. Qua đó, cô mới hiểu luân hồi nghiệp báo nhân quả. Nhờ có biến cố nên chúng ta hiểu được Phật pháp. Cô kia đã nguyện như vầy: ‘Nguyện đem công đức này/ Hướng về khắp tất cả, trừ con vợ bé của chồng con ra/ Đệ tử và chúng sanh/ Đều trọn thành Phật đạo.

Sự thiệt trong con người phàm phu luôn có chỗ cho lòng thù hận. Qúy vị cũng nên thông cảm cho cái tâm phàm phu mê muội trong tham ái đó. Cho nên người có tu khác người không tu ở chỗ có buông xả được lòng tham ái hay không.

Tu theo Phật giáo là tùy thuận và có tác ý. Thấy nghịch cảnh nhiều quá thì hãy tùy duyên, tùy thuận, đừng chống lại duyên. Hãy xả để được an vui. Đừng cố chấp dính mắc. Nếu lãnh đạo mà cố chấp, dính mắc nhiều quá ta sẽ không làm tròn được vai trò lãnh đạo được.

Người lãnh đạo phải có tâm tốt, có tầm nhìn, có tẩm tức là ăn uống, tổ chức tốt tức là đưa ra định hướng tốt, có tiền làm phương tiện. Làm Phật sự đừng ngại không có tiền. Tổ chức tốt, tin nhân quả, tin có hộ pháp ủng hộ. Nhà lãnh đạo quốc gia, người quản lý công sở làm mọi việc vì lợi ích cho mọi người thì hãy tin sẽ có long thần hộ pháp ủng hộ.

Thập vương pháp là 10 pháp tốt đẹp dành cho người lãnh đạo. Khi thiết lập 10 pháp này trong tâm thì người lãnh đạo sẽ đưa quốc gia, xí nghiệp, công ty, gia đình, ngôi chùa phát triển thịnh vượng không gì ngăn cản nổi.

Chúc tất cả quý vị Phật tử tại khóa tu ‘Một ngày an lạc’ được 4 pháp chúc mừng là sống lâu, sắc đẹp, an vui, hạnh phúc.

Nam mô Phật Pháp Tăng tam bảo./.

http://www.phatgiaonguyenthuy.com/news-3328/Lanh-dao-theo-quan-diem-phat-giao.html

Tags: ,
Thư từ, tin tức, bài viết xin gửi về địa chỉ chuagiaclam@yahoo.com. Để tìm hiểu về Chùa Giác Lâm xin bấm vào đây. Rất mong nhận được sự cộng tác của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và độc giả gần xa
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

0 comments

Leave a Reply

» Sử dụng tài khoản Blogger-Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, hoặc Tên/URL-Website [có thể bỏ trống URL], hoặc Ẩn danh [Anonymous] để đưa ra comment [nhận xét], nếu muốn.

» Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

» Vui lòng đăng nhận xét hòa nhã đúng mực và cố gắng gõ tiếng Việt có dấu nếu có thể. Rất vui vì những comment thiện chí, xin cảm ơn!