Đại Lễ Tết Giáp Thìn Feb 11, 2024

Bốn pháp làm mất Bồ Đề Tâm – Thích Chúc Đại

Lời nói không thật là lời nói mang đến sự đau khổ cho mình và người khác, lời nói ấy sẽ làm trở ngại cho sự kết nối giữa ta với những người xung quanh, lời nói ấy làm ngăn che tiến trình tháo gỡ những bế tắc trong đời sống thông qua ngôn ngữ biểu đạt. Những ai sống và làm bạn với lời nói không thật, thì đây sẽ là nhân tố phá vỡ đời sống an lạc của tự thân, gia đình, bạn bè… Cũng chính lời nói không chân chánh này đã làm trở ngại con đường tu tập của chúng ta, làm mất đi hạt giống Bồ Đề trong ta không có cơ hội sinh khởi và thăng hoa.

botatLongTho_958436468

Theo quan điểm của Đại Thừa Phật giáo, phát khởi tu tập Bồ Đề tâm là một điều kiện tiên quyết để học hạnh Bồ Tát, dẫn đến quả vị Phật. Nếu vị nào không sinh khởi tâm này thì sẽ không thể hoàn thành được quả vị Phật thừa. Luận bàn và giải thích về Tâm Bồ Đề được ghi chép lại rất nhiều trong hệ thống kinh điển Đại thừa. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ dựa vào “ Thập Trụ Tỳ Bà Sa luận” cũng thường được gọi tắt là “Thập trụ luận” của Bồ Tát Long Thọ, để làm y cứ luận bàn cho vấn đề trên.

Y cứ vào luận điển, khi luận bàn về những nguyên nhân làm mất Tâm Bồ Đề, Long Thọ luận sư đã phân tích thành năm nhóm, trong mỗi nhóm có bốn pháp, như vậy tổng cộng cả thảy là hai mươi pháp.[1] Nhưng ở đây tác giả chỉ phân tích nhóm thứ 1 trong bổn luận. Luận chủ ghi như sau:

“Hỏi: những pháp nào làm  mất tâm Bồ Đề? Đáp: 1. Không kính trọng pháp, 2. Khởi tâm kiêu mạn, 3. Vọng ngữ không thật, 4. không kính thiện tri thức. Như có bốn pháp này sinh khởi, nếu khi đời này mất đi, hoặc đến đời vị lai sẽ làm mất tâm Bồ Đề, không tự biết mình là Bồ Tát, cũng không thể phát nguyện làm Bồ Tát lại được, hay khi Bồ Tát hành pháp, những pháp hành ấy không được hiển lộ.”[2]

Từ dẫn chứng của luận văn, chúng ta không khó để nhận ra rằng, nếu Bồ Tát sinh khởi bốn tâm niệm như trên thì mất hạt giống Bồ Đề, không những trong đời này và đời sau nữa, hoặc thậm chí không thể tu tập thành đạt quả vị Phật thừa. Để làm rõ ý nghĩa của bốn pháp này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu.

Thứ 1. Không kính trọng pháp:

Pháp là những điều chư Phật tuyên thuyết, là những lời bậc giác ngộ sau khi chứng đạo, dùng để giảng dạy, là phương pháp tu tập để mỗi hành giả nương vào đó tu tập, dẫn đến chứng ngộ giải thoát. Đối với giáo pháp này không cung kính cúng dường, không tôn trọng, không tán thán, không sanh tâm nghĩ rằng đây là pháp hy hữu, là pháp khó gặp, là pháp quý báu, là pháp làm cho chúng ta mãn nguyện. Như vậy chính là ý nghĩa của không kính trọng pháp. Hay một cách tư duy khác, giáo pháp là chánh pháp, là những điều minh triết trong đời sống, là chân lý sống của cuộc đời, có tác dụng hướng dẫn chúng ta làm những điều mang lại hạnh phúc cho ta, và những người xung quanh, nhưng nếu chúng ta không cung kính đối với pháp này thì cũng đồng nghĩa với chúng ta đang bỏ mất con đường sống đẹp của đời mình.

Thứ 2. Khởi tâm kiêu mạn

Tâm kiêu mạn là tâm tự cao của mình, đây là một loại bịnh mà chúng ta luôn gặp phải trong quá trình tu tập. Thường khi chúng ta tinh tấn tu học, đọc sách nghe kinh nhiều hay làm các việc phước thiện thường sinh tâm kiêu mạn khinh chê người khác không tu, không thực hành Phật pháp, không làm các công đức, hoặc giả khinh chê pháp môn tu học này không tốt, không thể chứng đạt giải thoát, thiết nghĩ đây cũng biểu hiên của tâm kiêu mạn. Cho đến tâm đai kiêu mạn như: chưa đạt quả vị mà nói đã đạt, đối với các pháp môn tu tập, chưa chứng mà tự cho là chứng. Như vậy là tâm kiêu mạn. Nếu hành giả nào sinh khởi tâm kiêu mạn, thì sẽ trở ngại con đường đi đến Phật quả. Phải chăng chính vì lý do này mà trong “ Kinh Bát Nhã”  Đức Thế Tôn đã khuyến dạy như sau: “Thiện Hiện! Ông nên biết do phát sanh kiêu mạn, khinh chê hủy báng các Bồ-tát khác nên Đại Bồ-tát đó xa lìa quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.” [3] Một vị Bồ Tát đã chế ngự được phiền não, nhưng chỉ cần sinh tâm kiêu mạn khinh chê Bồ Tát đồng học còn xa lìa quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác, hà huống chúng ta có gì mà sinh tâm kiêu mạn để rồi đánh mất hạt giống Bồ Đề trong ta?

Thứ 3. Vọng ngữ không thật

Lời nói không thật là lời nói mang đến sự đau khổ cho mình và người khác, lời nói ấy sẽ làm trở ngại cho sự kết nối giữa ta với những người xung quanh, lời nói ấy làm ngăn che tiến trình tháo gỡ những bế tắc trong đời sống thông qua ngôn ngữ biểu đạt. Những ai sống và làm bạn với lời nói không thật, thì đây sẽ là nhân tố phá vỡ đời sống an lạc của tự thân, gia đình, bạn bè… Cũng chính lời nói không chân chánh này đã làm trở ngại con đường tu tập của chúng ta, làm mất đi hạt giống Bồ Đề trong ta không có cơ hội sinh khởi và thăng hoa. Chính vì thế chúng ta phải cố gắng thực tập lời nói chân chính để chúng ta có thể thiết lập đời sống an lạc, đời sống hạnh phúc, đời sống hướng thượng. Âu, đây cũng chính là chất liệu để chúng ta tưới tẩm và làm tươi tốt hạt giống Bồ Đề trong ta từ đời sống này cho đến nhiều đời sống kế tiếp.

Thứ 4. Không kính thiện tri thức

Trong tiến trình tu học, chúng ta phải luôn trân quý và kính trọng thiện tri thức, bởi thiện tri thức là người thầy hướng dẫn mình, là người giúp chúng ta tháo gỡ những chướng duyên trên con đường tìm về bến giác, là người hướng dẫn chúng ta tìm ra bảo thành. Chúng ta cũng phải luôn ý thức rằng, nếu không có thiện tri thức hướng đạo thì chúng ta khó tìm ra được cửa ngõ của giải thoát. Điều này cũng được Đức Phật và các vị luận sư giảng dạy trong thánh điển của mình. Đức Thế Tôn đã tuyên thuyết trong “ Kinh Tăng Nhất A Hàm” như sau : “Ta cũng do thiện tri thức mà thành Vô thượng Chánh chơn Đẳng chánh giác. Do thành đạo quả, độ thoát chúng sanh không thể kể hết, thảy đều thóat sinh, lão, bệnh, tử.” [4]  tương đương với “Tăng Nhất A Hàm” trong “Biệt Dịch Tạp A Hàm” Thế Tôn cũng đã tuyên bố tương tự rằng: “Tôi do thiện tri thức mà thoát ly sanh tử.” [5] Ngoài ra, Bồ Tát Mã Minh đã đứng ở góc độ của nhân duyên pháp mà nhận định rằng: “Tuy có định lực của chánh nhân huân tập, nhưng nếu không gặp được Chư Phật, Bồ Tát thiện tri thức làm trợ duyên thì tự mình đoạn trừ phiền não chứng nhập Niết Bàn, điều này không có được.” [6] Từ dẫn chứng của kinh văn và luận điển chúng ta có thể nhận ra rằng, trong quá trình tu học thân cận thiện tri thức là một trong những điều kiện để đi vào Phật Đạo, đây cũng là pháp hành khiến cho Bồ Đề tâm không thối chuyển trong đời này và mãi về sau.

Con đường hành pháp của Bồ Tát đạo phải được xây dựng trên chất liệu của Bồ Đề tâm, nhưng để có được tâm này kiên cố không bị thối thất, chúng ta phải luôn lìa xa bốn pháp, thứ nhất phải xa lìa tâm không kính trọng pháp, trái lại nên trân quý chánh pháp. Thứ hai, xa lìa tâm cống cao ngã mạn, bởi đây chính là trở ngại cho con đường đi đến Phật đạo, ngoài việc xa lìa tâm này trái lại chúng ta phải thực hành tâm khiêm cung. Thứ ba, xa lìa lời nói vọng ngữ không thật, mà trái lại cần phải thực tập với lời nói chân thành, lời nói như thật. Thứ tư, Xa lìa tâm nhiễm ô không kính trong thiện tri thức, bởi tâm này sẽ là bức tường thành ngăn che chúng ta thể nhập vào dòng thánh,vì thế chúng ta cần phải kính trọng thiện tri thức, chính nhờ thiện tri thức mà chúng ta có thể vào được trong thành trì của giải thoát.

Ước mơ muôn thuở của đời sống con người là hạnh phúc, nhưng để có được hạnh phúc thì chúng ta hãy thực tập kính trọng chân lý sống trong đời, hãy cung kính lắng nghe diệu pháp, tuyên dương chánh pháp để mọi người cùng đến để thấy, để thực hành và cùng nhau đón nhận hoa trái của hạnh phúc. Hãy cùng nhau học tập hạnh khiêm cung, để người người có thể dễ dàng chia sẽ hương vị giải thoát cho nhau, cùng nắm hưởng mật ngọt của đời sống này. Hãy dùng lời nói chân thật để chúng ta được sống trong bình an, thấy nhau trong tình người chân thật. Hãy cung kính trân quý thiện tri thức, bởi chính thiện tri thức là trợ duyên cho chúng ta nhận chân lẽ phải, biết xa lìa bóng tối đau khổ của nhân sinh. Hãy thực tập bốn pháp này để cùng nhau xây đắp Bồ Đề tâm, từ đó đi đến bến bờ của giải thoát.


[1] “Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận”, Quyển 4, Phẩm Điều phục tâm thứ 7, Đại chánh tạng 26, trang 36, dòng b2- trang     38,dòng a17.

[2] “Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận”, Quyển 4, Phẩm bốn pháp thứ 19, Đại chánh tạng 26, trang 36, dòng b16-22.

Ngoài ra quý vị có thể đối chiếu: 《集一切福德三昧經》卷2  (大正12, 98a20-b3),《等集眾德三昧經》卷2 (大正12, 981c12-20) .

[3] “Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh”, Quyển 453, Tăng thượng mạn phẩm thứ 60, Đại chánh tạng 07, trang 285, dòng c18-20.

[4]“Kinh Tăng Nhất A Hàm”, quyển 40, Phẩm cửu chúng sanh cư 44, kinh số 10, Đại chánh tạng 02, trang 768, dòng c11-13.

[5]《別譯雜阿含經》卷4(65經)(大正2,396a7~b6)。 Ngoài ra có thể tham khảo thêm: 《大般涅槃經》卷7 (大正12,408a24~b7)。《摩訶般若波羅蜜經》卷15 (大正8,331b12~15). 《小品般若波羅蜜經》卷8 (大正8,571b23~24). 《小品般若波羅蜜經》卷6 (大正8,561a8~11). 《大般涅槃經》卷13 (大正12,441b26~c3).

[6] 《大乘起信論》卷1 (大正32,578c6~8).

http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/giao-phap/bo-tat-dao/13028-bon-phap-lam-mat-bo-de-tam.html

Tags: ,
Thư từ, tin tức, bài viết xin gửi về địa chỉ chuagiaclam@yahoo.com. Để tìm hiểu về Chùa Giác Lâm xin bấm vào đây. Rất mong nhận được sự cộng tác của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và độc giả gần xa
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

0 comments

Leave a Reply

» Sử dụng tài khoản Blogger-Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, hoặc Tên/URL-Website [có thể bỏ trống URL], hoặc Ẩn danh [Anonymous] để đưa ra comment [nhận xét], nếu muốn.

» Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

» Vui lòng đăng nhận xét hòa nhã đúng mực và cố gắng gõ tiếng Việt có dấu nếu có thể. Rất vui vì những comment thiện chí, xin cảm ơn!