Nhưng trước khi mong chờ một nền giáo dục thay đổi thì các bậc phụ huynh hãy nhanh chóng đưa con em mình tiếp cận với giáo lý của đạo Phật ngay từ nhỏ.
Hàng ngàn két bia trên một xe tải bị đổ ra đường ngày ngày 4.12, tại khu vực vòng xoay Tam Hiệp, TP Biên Hòa (Đồng Nai).
Vụ tai nạn xẩy ra, không làm chết người, cũng không ai bị thương, chỉ có những giọt nước mắt và lời cầu khẩn van xin của người tài xế, trước hàng vài trăm người xông vào hôi của, có những người còn cho cả xe ba gác đến chở bia về.
Nhưng vụ tai nạn này đã làm cho bao con tim những người Việt có lương tri, những người có lòng tự trọng bị tổn thương, đó là một việc làm quá xấu hổ.
Tất cả chỉ tại lòng tham và tính ích kỷ
Tại cơn bão Haiyen ở Philippin vì sự tồn vong của những người còn sống họ đã cướp giật nước uống thực phẩm để sống qua ngày trong lúc chờ hàng cứu trợ đã là một hình ảnh không mấy hay gì nhưng vì Sự đói kém đã đẩy người dân đến con đường cùng, họ tìm mọi cách để duy trì cuộc sống. Mọi người không trách họ quá nhiều, vì trong hoàn cảnh đó, bản năng sinh tồn trỗi dậy mạnh mẽ hơn cả.
Còn ở vụ tai nạn này và ngay cả trong một sự việc hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy nhau để giành được một suất ăn miễn phí tại một cửa hàng sushi mới khai trương trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội). Chúng ta không ăn, không uống trong trường hợp này đâu có chết. Thậm chí, những người chen lấn vào hôi của kia hay chỉ muốn dành được một xuất ăn miễn phí kia chưa chắc đã là người đói ăn, đói uống đến sắp chết. Đúng là “miếng ăn là miếng nhục’’ chẳng sai chút nào.
Nhìn những hình ảnh ghi nhận lại trong vụ hôi của hàng ngàn thùng bia, được các trang mạng đăng tải, điều đau lòng và thật sự sốc khi những người xông vào hôi của lại toàn là người lớn. Thay vì cứu giúp người bị nạn, bằng cách thu gom lại giúp người tài xế thì họ lại xông vào cướp giật mang về, thậm chí họ mở uống ngay tại chỗ, vỏ non bia vương vãi đầy nơi xẩy ra vụ tai nạn, mặc cho người tài xế khóc lóc kêu gào van xin mọi người.
Những người có mặt trong để hôi của kia có bao giờ đặt mình vào chính là người tài xế kia, họ chỉ là người làm thuê, tiền đâu để họ vừa phải sửa chữa xe, vừa phải trả 1500 thùng bia bị cướp mất.
Và điều quan trọng là những người hôi của khi mang những thùng bia về nhà nếu con họ, em họ, cháu họ hỏi bia ở đâu ra? người lớn chúng ta sẽ trả lời sao đây? chúng ta sẽ dạy con trẻ ra sao? Ta còn tư cách để dạy chúng nữa ư?
Chắc chúng ta vẫn không thể quên những hình ảnh người dân Nhật vẫn kiên nhẫn xếp hàng để chờ được nhận lương thực theo thứ tự, dù rất đói, rất khát, sau thảm họa kép động đất, sóng thần khủng khiếp cách đây 2 năm.
Còn những người hôi của kia hay tại buổi tiệc butffet miễn phí chắc chắn là không phải vì đói vì khát, không thiên tai, không phải cái chết đang từng phút giây đe dọa họ, vì vậy dù có ngàn lần lý do gì bao biện cho những việc họ đã làm, cũng không thể làm nguôi cơn giận dữ của những người biết xấu hổ.
Hãy xem lại cách giáo dục
Tất cả đó chỉ tại tính ích kỷ, lòng tham lam của con người mà ra. Tham lam và tính ích kỷ là bản năng sẵn có trong mỗi con người chỉ có điều ta chỉ nên tham cái gì và cái gì không được tham đều phụ thuộc vào giáo dục từ gia đình, nhà trường xã hội ngay từ khi đứa trẻ nhận biết được mầu sắc, âm thanh…
Tại sao Nhật Bản người ta giáo dục người dân Nhật có một tinh thần như thế. Còn chúng ta, có đưa những việc làm đáng xấu hổ này vào trong các bài giảng về đạo đức làm người hay không?
Chúng ta được biết, hiện nay môn giáo dục công dân đã được đưa vào dạy lại trong các trường học, nhưng tại sao, dạy hoài mà vẫn không thay đổi? có bao giờ các nhà giáo dục và các bậc phụ Huynh đặt câu hỏi vì sao không? và có bao giờ các nhà giáo dục lại đặt câu hỏi làm sao mà các Thầy tâm linh chỉ dạy các em từ 2-3 ngày khi các em tham gia các khóa tu thôi mà cách sống và suy nghĩ của các em đã thay đổi hẳn. Có khi nào các nhà khoa học, các chuyên viên tâm lý, các nhà nghiên cứu tâm sinh lý con người đến những nơi các vụ việc kia làm một cuộc phỏng vấn hay thống kê xem những người đang làm những việc xấu hổ ấy họ thuộc tầng lớp nào? thuộc tôn giáo nào hay đã bao giờ biết đến một tôn giáo nào không?
Chúng tôi thì tin chắc rằng nếu ai đã từng đến các khóa sinh hoạt tại các chùa, biết đến giáo lý duyên khởi nhân quả của đạo Phật, đã được thực tập gieo những hạt từ bi và nghe những bài pháp thoại của những vị xuất gia chân chính giảng về giáo lý của đức Phật thì ai cũng biết nên làm hay không nên làm như chính đức Phật đã dạy con trai La- Hầu- la “Trong khi chuẩn bị làm điều chi bằng thân, khẩu, ý, con phải quán chiếu: hành động này có gây tổn hại cho mình hoặc cho kẻ khác không. Nếu, sau khi suy xét, con thấy rằng hành động đó sẽ có hại thì con hãy đừng làm. Còn nếu con thấy rằng hành động đó có ích lợi cho con và cho kẻ khác thì con hãy làm.” . 5 nguyên tắc cơ bản của người Phật tử trong đó có điều dạy “ không lấy những gì không phải là của mình hay chưa được người khác cho phép sử dụng”. Sẽ không có ai có mặt tham gia trong những vụ việc chỉ vì miếng ăn, miếng uống đáng xấu hổ kia, điều đó là chắc chắn.
Có bao giờ trong các hội thảo khoa học với chủ đề giáo dục công dân, những nhà tổ chức có mời những người Thầy tâm linh chân chính?( họ cũng có học hàm, học vị rất cao) để tham gia với tư cách như là những thành viên chính thức trong các hội thảo, để họ được đóng góp những ý kiến, những kinh nghiệm giáo dục hay biên soạn sách cho môn giáo dục công dân mà chúng ta tin chắc rằng họ mới chính là những nhà giáo dục đạo đức công dân hữu hiệu nhất.
Trong bài diễn văn khai mạc đại lễ Phật đản liên hợp quốc lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam 2008 tại Hà Nội của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định: “Đại lễ được tổ chức với sự cổ suý của Liên hợp quốc nhằm tôn vinh những giá trị tư tưởng sâu sắc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về hoà bình, hoà hợp, hoà giải, vị tha, nhân ái vốn đã có từ hơn 2500 năm trước và vẫn còn nguyên giá trị trong thế giời ngày nay.” Và “Việt Nam là đất nước đa Tôn giáo mà đạo Phật là tôn giáo có mặt rất sớm từ gần 2000 năm trước. Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng Từ bi, Hỷ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì hạnh phúc và an vui cho con người. Trong các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà Sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời hộ quốc an dân.”
Nhưng các nhà giáo dục đã quên đi suốt bao năm qua những triết lý, những phương pháp giáo dục trên nguyên tắc triết lý duyên khởi về nhân quả luân hồi của đạo Phật là làm cho con người sống phải biết sợ những hậu quả việc làm xấu đã gieo và người sẽ phải gặt cái quả xấu đó là chính mình chứ không phải là ai khác. Có biết sợ phải gặp quả xấu đã gieo, biết xầu hổ khi làm một việc tệ hại thì mới sống tốt được.
Nhưng trước khi mong chờ một nền giáo dục thay đổi thì các bậc phụ huynh hãy nhanh chóng đưa con em mình tiếp cận với giáo lý của đạo Phật ngay từ nhỏ, để trang bị cho các em một tinh thần: sống phải biết sợ và biết xấu hổ về những việc làm xấu, để mà tránh nó, đừng bao giờ đích thân làm hay bảo người khác làm hay cổ vũ người khác làm. Có như vậy thì bản thân, gia đình và xã hội mới bớt đau thương, đó là một việc cần phải làm ngay nếu không sẽ phải hối hận về sau! Chỉ có như thế thì chúng ta mới hy vọng sẽ không phải nhìn thấy hay chứng kiến những việc đáng xấu hổ như thế này nữa!
Sài Gòn tháng 12 năm 2013
Giác Hạnh Hoa
0 comments