Đại Lễ Tết Giáp Thìn Feb 11, 2024

Khuyên tu Pháp môn Tịnh Độ


KHUYÊN TU PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ
Cư Sĩ Thiện Thông

Đạo hữu nghe được nhiều bài giảng Phật Pháp của các Thầy thì rất tốt, nhưng bên cạnh đó mình nên chọn cho mình một pháp môn Tu để sau này mình được nhiều lợi ích hơn. Đồng ý là nghe nhiều thì có Trí Tuệ và Công Đức. Bên cạnh đó nếu mà chỉ nghe mà không chọn pháp môn tu thì khó có thể giải thoát khỏi sanh tử. Giống như một miếng bánh rất thơm ngon nếu chỉ ngửi mùi thôi thì mình không biết vị ngon ngọt thế nào, đến khi mình ngửi và ăn thì mới biết bánh đó thật sự ngon như thế nào. Cũng vậy, nếu mình chỉ nghe Phật Pháp mà không chọn pháp môn Tu thì cũng giống như ngửi bánh ngon mà không được ăn vậy. Mình nên có Văn, Tư và Tu. Nếu chỉ có Văn (tức là nghe Pháp) mà không tu làm sao chứng biết được vị của Giải Thoát. Hồi đức Phật còn tại thế, có một vị đệ tử là Ngài A Nan, Ngài nghe Phật nói Pháp tới đâu là Ngài nhớ tới đó. Ngài là thị giả của đức Phật bởi thế nghe rất nhiều về Phật Pháp. Nhưng khi Phật còn ở trần thế, Ngài vẫn chưa tu giải thoát cho chính mình, vì Ngài A Nan nghe nhiều mà chưa tinh tấn tu. Đến khi Đức Phật qua đời, thì Ngài A Nan tinh tấn tu hành sau này mới chứng quả Thánh thoát khỏi sanh tử luân hồi. Có đệ tử Phật lúc Phật còn tại thế, Ngài nghe Phật giảng một bài Pháp, sau đó tu liền thời gian sau liền chứng quả vị Thánh trong hiện đời. Bởi vậy đạo Phật không chủ trương nghe Pháp để giải trí hay nghe chơi cho vui hay nghe để lấp khoảng thời gian trống. Đạo Phật chủ trương nghe Pháp để có trí huệ và nương theo pháp môn Tu để tu thoát khỏi sanh tử. Nếu mà chỉ nghe Pháp không mà không chọn cho mình pháp môn Tu hành thì khó có thể thoát khỏi luân hồi đau khổ.
Theo đạo Phật, được thân người là rất khó, gặp được Chánh Pháp lại càng khó hơn, gặp Chánh Pháp mà tu theo được Chánh Pháp lại càng rất khó. Đạo hữu đã được nghe Thầy giảng thì đạo hữu cũng đã có nhiều duyên lành với Phật Pháp từ nhiều kiếp trước. Nếu mình có duyên lành thì mình nên bắt lấy cơ hội quý báo này để chọn cho mình pháp môn Tu để giải thoát sanh tử luân hồi. Sanh tử là khổ, chỉ một đời này mình gặp nhiều điều khổ (1) như sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ… huống chi nhiều đời nhiều kiếp sanh đi tử lại thì cái khổ phải nói là rất khổ và rất nhiều. Nếu biết cõi đời này là Khổ, sao mình không tu chẳng lẽ mình thấy Khổ mà vẫn chui đầu vào, như thấy tối mà đi vào tối. Không phải đạo Phật nói Khổ để bi quan mà nói Khổ để cho mình thức tỉnh tìm cách giải thoát. Nếu mình là người có Trí huệ, biết lo cho hạnh phúc đời này và mai sau của mình thì mình lo tinh tấn tu hành, đừng để cái Chết hay Vô Thường tới, lúc đó đã quá muộn rồi. Cõi này Vô Thường: thân vô thường (sanh, lão, bệnh, tử), tâm vô thường (buồn, giận, thương, ghét…) và hoàn cảnh vô thường (thành, trụ, hoại, không). Thân này rất mỏng manh, nó ví như là bọt biển có thể vỡ bất cứ lúc nào. Người có trí huệ nên dùng thân giả tạm này như chiếc bè để tu hành qua đến bờ Giải Thoát. Đừng để cuộc đời mình trôi đi qua theo năm tháng già bệnh chết một cách uổng phí. Như có Thầy nói, người sống trăm tuổi không biết tu thì không bằng người sống một ngày mà biết tu. Đúng như vậy, sống trăm tuổi mà chỉ biết ham mê ngũ dục, ăn ngủ và dục lạc… Đến khi chết không biết đi về đâu hoang mang sợ hãi và khi chết rồi đi tái sanh lại còn khổ hơn. Sống như thế hiện tại không được an lạc mà tương lai mờ mịt, sống như thế không có ý nghĩa và lợi ích cho mình. Hiểu cuộc đời này là vô thường, thân này là giả tạm, luân hồi là đau khổ, cõi này là cõi khổ thì mình chọn cho mình một pháp môn tu liền ngay lập tức đừng để cái Chết hay Vô Thường đến trước khi mình bắt đầu tu? Vậy Tu như thế nào và tu theo pháp môn gì?
Đạo Phật rất hay, hay ở chổ là nói Pháp cho mình có trí huệ và có duyên lành rồi sau đó mình tỉnh thức và nương theo pháp môn để tu. Pháp môn tu thì có rất nhiều gồm 84000 pháp môn. Tùy theo căn cơ và hoàn cảnh của chúng sanh mà chọn pháp môn tu cho phù hợp mỗi cá nhân. Tu đây không có nghĩa là bắt buộc phải Tụng Kinh, vào chùa cạo đầu. Mình tu tại gia thì mình tu theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Có nhiều pháp môn tu trong đạo Phật. Tùy theo căn cơ, trình độ, điều kiện và hoàn cảnh của mỗi người mà chọn pháp môn tu cho phù hợp. Pháp môn mà nhiều người tu (kể cả tại gia và xuất gia) là pháp môn Tịnh Độ (pháp môn niệm Phật). Sở dĩ pháp môn niệm Phật phổ biến và nhiều người tu vì nó không giới hạn mình trong một khuôn khổ nhất định nào và dễ tu đạt nhiều lợi ích. Như tu theo Thiền, mình nên có thời gian và môi trường yên tĩnh. Như pháp môn niệm Phật, đi, đứng, nằm, ngồi hay làm chuyện gì mình cũng có thể niệm Phật được. Mục đích và hướng đến của người tu Tịnh Độ là Vãng Sanh Cực Lạc. Muốn vãng sanh Cực Lạc gồm có 3 điều kiện: Tín, Nguyện và Hạnh. Trong Kinh A Di Đà, Phật Thích Ca nói: “Từ cõi Sa-bà này hướng về Phương Tây, qua mười vạn ức cõi Phật, có một thế giới gọi là Cực Lạc, mà cõi ấy có đức Phật hiệu là A-Di-Đà, hiện nay ngài đang thuyết pháp tại đó.”. Mình nên tin Phật Thích Ca nói vì Ngài không bao giờ nói dối và Ngài ra giới luật không nói dối cho đệ tử Ngài cũng như hàng xuất gia và tại gia. Mình chưa có khả năng thấy biết được Thế Giới Cực Lạc và Phật A Di Đà là giáo chủ cõi Cực Lạc, nhưng qua khả năng thấy biết của Thích Ca Mâu Ni Phật và Ngài nói lại mình nên tin như thế. Như trước đây khi không có kính thiên văn, người ta nghĩ chỉ có một trái đất này tồn tại, nhưng sau thời gian nhà khoa học khám phá ra được ngoài trái đất này có rất nhiều hành tinh khác nhau. Cách đây hơn 2500 năm, đức Phật đã nói có nhiều cõi nước khác nhau trong vũ trụ này bởi vậy Phật đã nói đúng với khoa học.
Thứ nhất tu theo pháp môn Tịnh Độ phải có Tín. Bất cứ tu theo pháp môn nào cũng đòi hỏi Tín nếu không tin làm sao tu theo được. Tin vẫn là căn bản thiết yếu trong hết thảy mọi pháp môn tu. Tin là mẹ đẻ ra tất cả những Công đức. Vậy người tu Tịnh Độ nên tin những gì: Tin có Phật A Di Đà, tin có cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, tin Nhân Quả, Tin rằng kiếp sống này ngắn ngủi mạng người như hơi thở ra vào, tin 48 (2) lời nguyện của Phật A Di Đà là hoàn toàn chân thật.
Thứ 2 là phải nên có Nguyện, nếu không có Nguyện làm sao Vãng Sanh Cực Lạc được. Giống như người đi từ điểm A tới điểm B, nếu người đó nói Tôi muốn đi tới điểm B mà tâm ý không muốn đi tới điểm B thì không bao giờ tới được. Khi mình có Nguyện thì Phật A Di Đà có tha tâm thông (3) mới biết mình muốn Vãng Sanh Cực Lạc thì Ngài mới giúp mình Vãng Sanh được. Mình vẫn còn là phàm phu không có khả năng vãng sanh được nhưng nhờ có Phật Lực giúp cho mình Vãng Sanh. Đạo hữu nên Nguyện như thế này: Nam Mô A Di Đà Phật, con tên gì…sanh năm mấy…bao nhiêu tuổi…con nguyện vãng sanh Cực Lạc sau khi con bỏ thân mạng này. Nguyện nhiều hay ít hoặc nguyện 1 hay 2 lần cũng được tùy theo mỗi người và Đạo hữu nguyện trong tâm hay nguyện ra tiếng hay đứng trước hình Phật hay không đứng trước cũng được. Tại sao mình phải nguyện về Cực Lạc, Cực Lạc là gì? Cực nghĩa là rất, Lạc là vui. Cực Lạc là rất vui. Trong Kinh A Di Đà có nói đến đoạn “Cớ sao Cõi kia lại gọi là Cực-lạc? Vì, chúng sinh trong nước ấy không có những sự đau khổ, chỉ hưởng thụ những sự vui sướng mà thôi, nên gọi là Cực-lạc.”. Vui sướng đây không có nghĩa là Vui sướng với dục lạc, ngũ dục hay vui tạm bợ của thế gian... Vui sướng đây là vui được thường nghe Phật Pháp, vui không phiền não, vui không già, bệnh, chết, vui không đau khổ, vui được bực Thượng Thiện Nhân (Bồ Tát) được ngồi chung nghe Pháp, vui với Công Đức Trang Nghiêm của Cực Lạc và không có những điều Khổ và không có những tiếng Khổ và không có những điều ác và những điều vui khác… Bởi thế nên Nguyện Vãng Sanh Cực Lạc để được nhiều lợi ích cho chính mình.
Thứ 3 là nên có Hạnh tức là trì danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” hoặc “A Di Đà Phật”. Đức Phật đã dạy trì niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” trong “Kinh Niệm Phật Ba La Mật”. Đức Phật đã dạy trì niệm “A Di Đà Phật” trong “Kinh Vô Lượng Thọ” và “Kinh A Di Đà”. Cách niệm Phật 4 chữ hay 6 chữ cũng đều là Phật dạy. Tùy theo mình hợp với cách niệm Phật 4 chữ hay 6 chữ. Niệm Phật 4 chữ được lợi là ít chữ dễ niệm và dễ đạt nhất tâm bất loạn. Khi lâm chung niệm Phật 4 chữ cũng dễ niệm hơn vì ít chữ. Còn niệm Phật 6 chữ thì 2 chữ “Nam Mô” có nghĩa là quay về. Thầy dạy niệm Phật 6 chữ không dư hay niệm Phật 4 chữ không thiếu. Người nào quen niệm Phật 6 chữ thì cứ tiếp tục, còn người nào muốn đổi sang niệm Phật 4 chữ cũng tốt.
Trì “Nam Mô A Di Đà Phật” hay trì “A Di Đà Phật” có nghĩa là gì? Trì đây có nghĩa là mình nên niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” hay niệm “A Di Đà Phật” nhiều mỗi ngày tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Niệm Phật có nhiều cách hoặc niệm Phật ra tiếng, hoặc trì thầm, hoặc lần xâu chuổi hoặc trong tâm… Cách nào cũng được miễn sao phù hợp với khả năng và hoàn cảnh mỗi người. Đi, đứng, nằm, ngồi hay làm chuyện gì cũng trì danh hiệu Phật được. Trường hợp vào nhà vệ sinh thì mình chỉ niệm Phật trong tâm, không nên trì ra tiếng.
Trong Kinh A Di Đà có dạy “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói về Đức Phật A Di Đà, cố gắng chuyên trì danh hiệu Ngài: hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, nhất tâm chẳng loạn, thì người ấy khi lâm chung sẽ được Đức Phật A Di Đà cùng các bậc Thánh, hiện ra trước người ấy, người ấy trong khi chết tâm không điên đảo, liền được sinh sang cõi nước Cực Lạc của Phật A Di Đà”. Nếu muốn niệm Phật được sớm Nhất Tâm Chẳng Loạn thì nên niệm Phật không xen tạp nghĩa là sao? Nghĩa là niệm Phật không nên để vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xen vào tức là đừng để tâm phân biệt tốt, xấu, phải, quấy, hơn thua, đúng, sai… Chỉ để tâm tập trung vào câu niệm Phật mỗi câu rõ ràng, mỗi niệm phân minh, niệm Phật với tâm thanh tịnh thì được phẩm vị Vãng sanh cao (4). Trong Kinh Niệm Phật Ba La Mật còn nói “Muốn vãng sanh Cực Lạc chỉ cần trì danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật là đủ”. Bởi thế mình tu theo pháp môn Tịnh Độ chỉ cần có Tín, Nguyện và trì danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” hay trì “A Di Đà Phật” là đủ.
Theo như Kinh Niệm Phật Ba La Mật có nói “Vãng Sanh Cực Lạc thì không còn ở địa vị phàm phu thân xác ngũ uẩn nữa” (tức là thoát khỏi sanh tử luân hồi). Vãng Sanh Cực Lạc mình được rất nhiều lợi ích là chứng được quả vị Bất Thối Chuyển (không còn thối chuyển ở quả Vị Phật), thọ mạng lâu dài sống rất lâu (trích trong Kinh A Di Đà), không phiền não, bệnh, già, chẳng những thế mà không khổ còn hưởng những điều vui, và còn có điều kiện tốt, môi trường và hoàn cảnh tốt, bạn tốt để tu hành tiến tu lên tới quả vị Thánh. Khi mình tu hành lên tới quả vị Bồ Tát, nếu mình tu tiếp lên tới quả vị Phật, mình phải trở lại những Cõi, độ giúp những chúng sanh khác giải thoát. Bồ Tát lấy lợi ích cho chúng sanh làm sự nghiệp của mình. Bởi thế Bồ Tát muốn thành Phật thì phải độ giúp rất nhiều chúng sanh thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Đới nghiệp vãng sanh là vãng sanh mang theo nghiệp nghĩa là mặc dù mình có Nghiệp (Nghiệp Thiện hay Ác) nhưng mình vẫn được vãng sanh. Không có nghĩa là mình tạo tội hay điều ác mà mình tránh được Quả Báo. Nhân Quả thì đúng ba đời Quá Khứ, Hiện Tại Và Vị Lai không sai. Mình vãng sanh cõi Cực Lạc thì không lãnh Quả báo nhưng khi mình ở quả vị Bồ Tát trở lại độ giúp chúng sanh thoát khổ, lúc đó Quả Báo từ nhiều kiếp trước của mình đến với mình. Lúc đó mình có năng lực lãnh Quả báo một cách an nhiên, chứ mình không đau khổ lãnh Quả báo như còn phàm phu. Còn những tập khí: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… Những tánh xấu đó khi mình Vãng Sanh Cực Lạc mình sẽ tiêu trừ nó lần lần đến diệt đi. Mình Vãng Sanh Cực Lạc thì mình có nhiều cơ hội điều kiện tốt để diệt trừ đi những tâm xấu của mình. Người ác nếu mà hồi đầu mà tu theo pháp môn Tịnh Độ, nếu có Tín Nguyện Hạnh, hoặc trì danh hiệu Phật A Di Đà trước khi lâm chung đủ 10 niệm. Thì người đó vẫn được vãng sanh nhưng mà ở phẩm vị thấp. Nếu ở phẩm vị vãng sanh thấp thì hoa sen rất lâu nở và lâu thấy cõi Cực Lạc. Khi hoa sen nở sẽ thấy được Quán Thế Âm Bồ Tát hay Đại Thế Chí Bồ Tát thuyết pháp cho chúng sanh đó nghe. Còn những chúng sanh nào mà tội ít, làm lành nhiều, niệm Phật nhiều thì hoa sen của người đó mau nở và mau thấy được cõi Cực Lạc.
Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ có nói “mỗi câu niệm Phật trừ được 80 ức kiếp (1 ức bằng 100000) tội sanh tử?” Nam Mô A Di Đà Phật là gì? Nam Mô (nghĩa là Quy Y) A Di Đà (Vô Lượng Thọ hoặc Vô Lượng Quang) Phật (Giác Ngộ). Trì danh hiệu Phật A Di Đà được rất nhiều Công Đức và trừ được nhiều vọng tưởng. Trì danh hiệu Phật làm thân, khẩu và ý của mình từ từ trở nên thanh tịnh, như thế mình hạn chế hoặc không tạo ra Tội và Nghiệp xấu. Và niệm Phật được nhiều lợi ích khác (muốn biết thêm xin đọc cuốn Kinh Niệm Phật Ba La Mật)
Đặc điểm của Pháp môn niệm Phật là: tự lực và tha lực. Tự lực là tự nỗ lực chính mình tu hành trì danh hiệu Phật. Còn tha lực nghĩa là nhờ Phật Lực giúp mình được Vãng Sanh Cực Lạc. Không như pháp môn Thiền, chỉ có tự lực mà không có tha lực nghĩa là tự khả năng mình tu hành mà không có tha lực.
Đạo hữu nên có công phu niệm Phật mỗi ngày tức là mình nên có thời khóa biểu niệm Phật, tùy theo khả năng và hoàn cảnh của đạo hữu. Ví dụ như, sáng dậy sớm đạo hữu niệm Phật 1 tiếng hay 2 tiếng…trước khi đi làm, ăn xong lên niệm Phật 1 hoặc 2 tiếng…trước khi đi ngủ nên dành thời gian ra niệm Phật khoảng 1 hay 2 tiếng…Số lần công phu niệm Phật mỗi ngày của đạo hữu có thể hơn số đó nữa. Tùy theo hoàn cảnh của đạo hữu mà có thời khóa niệm Phật riêng cho mình như thế nào. Mỗi lần niệm Phật vậy đạo hữu nên ngồi niệm Phật (tốt hơn nằm niệm Phật) vì làm mình dễ tập trung niệm Phật và làm mình không ngủ gục. Lúc mình công phu niệm Phật đừng để vọng tưởng suy nghĩ phân biệt xen vào nghĩa là đừng để tâm phân biệt tốt, xấu, phải, quấy, hơn thua, đúng, sai… Chỉ để tâm tập trung vào câu niệm Phật mỗi câu rõ ràng, mỗi niệm phân minh. Nếu trong lúc công phu niệm Phật nếu đạo hữu trì danh hiệu Phật A Di Đà ra tiếng được thì tốt (còn nếu không được thì niệm Phật thầm ra tiếng hoặc niệm Phật trong tâm…). Vì nếu niệm Phật ra tiếng sẽ giúp tâm đạo hữu dễ dàng theo tiếng niệm Phật và vọng tưởng, phân biệt, chấp trước cũng khó phát khởi hơn. Bên cạnh thời khóa niệm Phật riêng cho mình, đạo hữu đi, đứng, nằm, ngồi hay làm công chuyện gì (không suy nghĩ)… đạo hữu cũng nên trì danh hiệu Phật.
Còn việc Vãng Sanh Cực Lạc thì có người đã Vãng Sanh hay chưa? Đã có rất nhiều người đã vãng sanh Cực Lạc, những người tại gia và xuất gia đã vãng sanh rất nhiều, có những video, tài liệu sách vở, hình ảnh lưu xá lợi, và những vị Thầy kể lại. Những điều này mình nên tin vì những bằng chứng ghi lại hay kể lại này đều là Phật tử tại gia hay xuất gia. Phật tử thì không được nói dối cho dù tại gia hay xuất gia. Có nói có, không nói không, không có thì không nói. Nếu phạm tội nói dối là phạm vào giới luật của đạo Phật. Một trong những giới luật căn bản của người Phật tử tại gia hay xuất gia là không được nói dối. Nếu người này phá giới nói dối, tội người này nặng hơn người không giữ giới. Tức là tội nói dối cộng thêm với tội phá giới.
Dưới đây là một trường hợp vãng sanh trong gia đình tôi. Tôi tình cờ đọc được bài viết “CON ĐƯỜNG TU TẮT-PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ” (soạn giả: Cư Sĩ Thiện-Tâm) và biết được sự vãng sanh của ông Cố tôi là Trần Phong Sắc đã được ghi lại trong bài viết này trong phần sự tích vãng sanh ở nước Việt Nam. “Ông Trần Phong Sắc tại chợ Vũng Gù (bây giờ gọi là Long An). Ông trường chay lúc 10 tuổi và thờ Tam giáo, Nho, Thích, Đạo. Vào khoảng năm 1920, ông làm giáo học dạy chữ Nho tại trường tỉnh Long An. Ông xem kinh Đại tạng gần 30 năm mới gặp pháp môn Tịnh độ. Lúc đó ông trên 50 tuổi và bắt đầu tu theo pháp môn này. Ông có viết quyển Lão Nhơn Đắc Độ và dịch quyển Tây Quy Trực Chỉ của ông Châu an Sỹ. Cơn lâm chung, ông biết trước ngày về Tây phương, do đó ông có làm bài kệ khuyên người tu Tịnh độ (xem Tây Quy Trực Chỉ)” (Trích trong “CON ĐƯỜNG TU TẮT-PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ” soạn giả: Cư Sĩ Thiện-Tâm)
Tôi có nghe người nhà nói nhiều về ông Cố và nói ông Cố có viết quyển “Lão Nhơn Đắc Độ”. Ông Nội tôi là con của ông Trần Phong Sắc và hiện giờ vẫn còn sống và đang ở Long An. Hiện giờ, ông bà Nội tôi vẫn tinh tấn tu theo Pháp Môn Tịnh Độ và đã tu được mấy chục năm rồi. Tôi nói đây không phải là khoe khoang, mà xác nhận việc vãng sanh của ông Cố tôi là sự thật và đúng như bài viết “CON ĐƯỜNG TU TẮT-PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ”. Đây là một trong những bằng chứng trong nhiều trường hợp vãng sanh là có thật. Đạo hữu nên tin những gì tôi nói trên. Tôi cũng là Phật tử tại gia, thọ trì 5 giới cấm (trong đó có giới cấm không nói dối, bởi thế tôi không được nói dối). Vãng sanh Cực Lạc là có thật, rất nhiều chúng sanh đã vãng sanh Cực Lạc được ghi lại. Tôi tu theo pháp môn Tịnh Độ nhiều năm và tôi đã có Tín, Nguyện và trì danh hiệu Phật A Di Đà cũng được nhiều năm rồi. Đạo hữu nên tu theo pháp môn Tịnh Độ, có Tín (nghĩa là lòng tin chân thật, tha thiết, bền vững), Nguyện tha thiết, Hạnh (nghĩa là chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” hay “A DI ĐÀ PHẬT” nhiều mỗi ngày và giữ trọn đời không thay đổi). Lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm tiếp nối liền nhau, thì đạo hữu chắc chắn vãng sanh Cực Lạc của Phật A Di Đà sau khi bỏ thân này. Vãng Sanh Cực Lạc tức là đạo hữu thoát khỏi sanh tử luân hồi đau khổ.
Khi mình tu theo pháp môn niệm Phật, khi cái chết đến với mình mình không hoang mang, lo sợ hay đau khổ vì mình biết hướng đi của mình, mình biết sẽ về đâu vì có sự giúp đỡ và sự tiếp dẫn của Phật A Di Đà để giúp mình Vãng sanh Cực Lạc thì mình không còn gì phải lo sợ. Còn nếu mình không biết tu, khi cái chết đến mình rất hoang mang, đau khổ, hoặc mình thấy những oan hồn oan gia trái chủ đến đòi nợ, và mình thấy những tội ác mình làm trước và thấy những cảnh ghê sợ hiện đến và sự đau đớn của thể xác sắp tan rã trong nội tạng. Sau khi chết mình bị Nghiệp (5) (là hành động tạo tác của thân, khẩu và ý) dẫn đi luân hồi sanh tử, và thần thức không biết sẽ tái sanh đi đâu và không biết có vào tam ác đạo (địa ngục, ngạ Quỷ và súc sinh) hay không. Mình không định hướng cho mình đi tái sanh, chỉ có Nghiệp Thiện và Nghiệp Ác của mình quyết định hướng tái sanh cho mình. Có 4 Nghiệp sẽ tác động đến khi luân hồi là: Cận Tử Nghiệp (Nghiệp trước giờ lâm chung, nghiệp xấu như giận dữ…), Cực Trọng Nghiệp (Nghiệp rất nặng: như giết cha mẹ…), Tập Quán Nghiệp (nghiệp tốt hay xấu mình làm thường trong khi còn sống), và Tích Lũy Nghiệp (Nghiệp nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ). Thầy có nói là mình là chủ nhân của Nghiệp và mình cũng chính là thừa tự của Nghiệp. Mình tạo Nhân gì thì mình gặt Quả đó không trốn chạy đi được. Mình tạo Nhân tốt, được Quả tốt, mình tạo Nhân xấu, được Quả xấu. Như Phật nói khi Quả đến cho dù mình có chui vào hang, trốn trong lòng đất cũng không thoát khỏi cái Quả. Nhân Quả là đúng ba đời (Quá Khứ, Hiện Tại và Vị Lai). Bởi thế khi sắp lâm chung Nghiệp sẽ quyết định ta luân hồi vào cõi tốt hay xấu. Bởi thế sanh tử luân hồi là rất nguy hiểm và đau khổ. Bởi thế lúc còn sống mình nên tạo Tập Quán Nghiệp tốt như trì danh hiệu Phật là một ví dụ để trước khi chết mình có Cận Tử Nghiệp là vẫn niệm Phật thì khi lâm chung mình chắc chắn vãng sanh Cực Lạc. Khi còn sống nếu không tạo Tập Quán Nghiệp tốt tức là không trì danh hiệu Phật, trước khi lâm chung rất khó khăn niệm Phật. Mặc dù biết rằng trước khi lâm chung trì danh hiệu Phật A Di Đà mười niệm vẫn được Vãng Sanh Cực Lạc (trích trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ), nhưng rất là khó vì có người khi lâm chung bị nhiều thứ chi phối (như thân thể đau đớn, tâm sợ hãi lo sợ, hình ảnh xấu hiện trong tâm, hoặc thấy oan gia trái chủ…) rất khó mà trì danh hiệu Phật đến mười niệm. Mình còn sống thì nên chuẩn bị Tập Quán Nghiệp trì danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” hoặc “A Di Đà Phật” cho nhiều để mình tạo thói quen và tạo cái Lực thật mạnh, để khi lâm chung thói quen niệm Phật đó sẽ giúp mình nhớ đến niệm Phật và cái Lực sẽ tác động mình trì danh hiệu Phật một cách dễ dàng.
Đạo hữu nên tin những gì tôi nói trên. Tôi cũng là Phật tử tại gia và tu theo pháp môn Tịnh Độ nhiều năm và tôi đã có Tín, Nguyện và trì danh hiệu Phật A Di Đà cũng được nhiều năm rồi. Tôi không nói dối gì cả, tôi đọc nhiều Kinh Phật, sách Phật Pháp cũng như xem nhiều tài liệu Kinh Phật về pháp môn Tịnh Độ, và qua đó nghe nhiều bài giảng của Thầy về Phật Pháp và pháp môn Tịnh Độ. Nếu đạo hữu muốn tìm hiểu thêm về pháp môn Tịnh Độ cũng như tìm hiểu thêm về Công Đức Trang Nghiêm của cõi Cực Lạc, 48 lời nguyện của Phật A Di Đà, nói Tín, Nguyện và Hạnh, hay tả về cõi Cực Lạc rất đẹp và vi diệu như thế nào thì có thể tìm đọc: Kinh Niệm Phật Ba La Mật, Kinh A Di Đà, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Kinh Vô Lượng Thọ. Đó là 4 Kinh Phật chính nói về pháp môn Tịnh Độ (hay pháp môn niệm Phật) qua đó có thể tham khảo thêm. Hoặc có thể nghe những bài giảng của Thầy về Pháp môn Tịnh Độ và xem đĩa của những người vãng sanh hoặc đọc sách của Cư Sĩ Tịnh Hải biên soạn (có nhiều hình ảnh lưu xá lợi của những người đã vãng sanh và có những câu chuyện thật của những người vãng sanh).
Tôi viết những điều này cũng mong rằng đạo hữu tu theo pháp môn Tịnh Độ liền, đừng để những nghi ngờ, hay những chướng duyên nào đó hay bị cuộc sống mình cản ngăn. Đừng để tâm mình biện minh, tại này tại nọ hay hẹn này hẹn nọ hay lý do này lý do nọ là tôi không tu được theo pháp môn niệm Phật. Chẳng lẽ mình đi theo những nghi ngờ này nghi ngờ nọ hay lý lẽ này lý lẽ nọ hay lý do này lý do nọ mà đánh đổi cơ hội quý báo thoát khỏi sanh tử luân hồi đau khổ này sao. Như thế không đáng chút nào. Pháp môn này rất dễ tu ai ai tu cũng được. Đi, đứng, nằm, ngồi hay làm công chuyện mình vẫn có thể niệm Phật được hoặc là niệm Phật ra tiếng, hay niệm Phật thầm hay niệm Phật trong tâm cách nào cũng tốt… Đạo hữu nên bắt đầu ngay từ bây giờ, đừng đợi thời gian sau làm. Mình đâu biết cái chết có thể đến với mình một giờ sau hay qua ngày mai đâu… Cái chết không biết đến với mình bất cứ lúc nào, không biết sống nay chết mai, và nó không phân biệt khoẻ mạnh, ốm đau, già trẻ, lớn bé, nam hay nữ… Bởi thế, giờ còn sống ngày nào nên tu theo pháp môn Tịnh Độ: có Tín, Nguyện và Hạnh đầy đủ là chắc chắn được vãng sanh Cực Lạc. Mình đừng nên để lý lẽ lý luận làm chướng ngại cho đường tu hành của mình. Tu theo pháp môn Tịnh Độ là lợi ích cho mình và lợi ích cho nhiều chúng sanh khác hiện tại và sau này nữa. Nếu mình vãng sanh Cực Lạc sau khi bỏ thân mạng này, mình về cõi Cực Lạc tinh tấn tu hành, sau này trở thành Bồ Tát, trở lại sớm độ giúp nhiều chúng sanh thoát luân hồi và tu hành thành Phật. Tất cả mọi thứ đều Vô Thường, Thân Vô Thường, Tâm cũng Vô Thường, Hoàn cảnh cũng Vô Thường, vui buồn, mừng giận, thương ghét, thành bại, khổ đau, vui sướng… những điều này cũng bị luật Vô Thường chi phối những tâm trạng đó có rồi mất không thường còn với mình. Mình chết là sẽ bỏ lại tất cả những tài sản của cải vật chất, người thân, thân mạng mình và những Tâm vui buồn… Mình chỉ mang đi cái Nghiệp Thiện và Ác của mình tạo ra. Nếu mình có tạo nghiệp Thiện, nếu có sanh về cõi trời đi nữa, khi hưởng phước đã hết thì vẫn luân hồi và vẫn đau khổ trở lại. Chi bằng, nay mình biết pháp môn Tịnh Độ, nương theo Tín, Nguyện, và Hạnh mà tu thì mình thoát khỏi sanh tử luân hồi một cách dễ dàng nhờ Nguyện Lực, Tha Lực và Lòng Đại Từ Đại Bi của Phật A Di Đà tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc. Đã có nhiều người đã vãng sanh, đừng để mình là một trong những người không được vãng sanh thế thì rất tiếc. Đừng để mình tụt lại phía sau những chúng sanh khác. Đừng để mình phải tiếp tục chịu khổ trong luân hồi và trong khi đó nhiều chúng sanh đã vãng sanh thoát khỏi sanh tử luân hồi hết đau khổ. Những người có trí huệ thấy khổ người ta tìm cách thoát khổ, chứ không phải thấy khổ mà vẫn vui trong khổ, đó là si mê. Mình nên nương theo người trí huệ đừng nương theo người si mê để rồi phải chịu nhiều đau khổ từ kiếp này sang kiếp khác từ đời này sang đời khác. Mình nên tu theo pháp môn Tịnh Độ để đặt dấu chấm hết cho sự luân hồi đau khổ cho chính mình và ráng tu theo pháp môn Tịnh Độ để kiếp sống này là kiếp cuối cùng của mình trong sanh tử luân hồi. Già, trẻ, nam, nữ, khỏe mạnh, người tốt, người xấu, người bệnh, ngu si, thông minh gì… cũng tu được pháp môn niệm Phật này, chủ yếu mình có tu hay không thôi. Nếu mình có Tín Nguyện Hạnh đầy đủ thì Phật A Di Đà chắc chắn giúp mình vãng sanh Cực Lạc và Ngài không bỏ sót bất cứ chúng sanh nào cả không luận người đó ở địa vị gì, hoàn cảnh thế nào, thân thế ra sao, tốt hay xấu… miễn tu theo pháp môn niệm Phật thì Ngài sẽ giúp cho vãng sanh Cực Lạc chắc chắn là thế.
Mình tu theo pháp môn Tịnh Độ và trì danh hiệu Phật A Di Đà là mình có rất nhiều thiện căn phước đức từ nhiều kiếp trước. Nhiều kiếp trước mình đã gieo duyên lành nhiều với Phật Pháp, tạo Nhân tốt nhiều và tu hành nhiều. Nên nay mình tu theo pháp môn Tịnh Độ là Quả thoát khỏi sanh tử luân hồi sau khi bỏ thân mạng này là điều tất yếu. Bởi thế mình nên nắm lấy Quả tốt này đừng nên phân vân để rồi Cái Chết đến với mình và mình mất duyên thoát khỏi sanh tử luân hồi. Đừng nghĩ đợi kiếp sau mình sẽ gặp Phật Pháp rồi mình tu hành thoát khỏi sanh tử luân hồi sau. Theo đạo Phật, đây là thời Mạt Pháp, sau thời Mạt Pháp này qua rồi. Phật Pháp bị diệt phải đợi rất rất rất lâu thì Phật mới ra đời. Nếu mình đánh mất cơ hội tu theo pháp môn Tịnh Độ cuộc đời này, mình sanh tử luân hồi lại rất là đau khổ và nguy hiểm, cho dù ở cõi Người đi chăng nữa lúc đó ngoại đạo, những người ác, những cái ác và cái xấu sẽ rất nhiều và lẫy lừng trong xã hội. Lúc đó không gặp Phật Pháp thì làm sao mình thoát khỏi sanh tử luân hồi tới lúc đó mình rơi vào Tam Ác đạo là địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh rất là dễ.
Nếu có người hỏi tại sao Phật A Di Đà không tiếp dẫn tất cả những chúng sinh? Phật A Di Đà muốn tiếp dẫn tất cả những chúng sinh, nhưng chúng sinh đó phải có duyên với Ngài. Không có duyên Ngài không độ giúp được. Nếu người ta không muốn về mình không bắt ép người ta được, như thế dẫn đến hậu quả không tốt. Người đó không nguyện vãng sanh Cực Lạc thì làm sao đưa người đó về Cực Lạc được, họ vẫn còn si mê cho rằng cõi này vui và họ còn tham chấp yêu thích cõi Khổ này và họ không muốn vãng sanh. Và có người họ không biết pháp môn Tịnh Độ thì làm sao họ nguyện mà về được. Không phải họ không muốn biết và tu theo pháp môn Tịnh Độ, mà họ không có duyên lành với Phật Pháp và họ không có thiện căn phước đức để có duyên gặp pháp môn Tịnh Độ. Bởi thế, mình có duyên gặp được pháp môn Tịnh Độ này là mình có duyên lành tốt và thiện căn phước đức nhiều. Nay mình nên tạo duyên với Phật A Di Đà bằng cách tu theo pháp môn Tịnh Độ, có Tín (nghĩa là lòng tin chân thật, tha thiết, bền vững), Nguyện tha thiết, Hạnh là trì “Nam Mô A Di Đà Phật” hay “A Di Đà Phật”, suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi”. “Lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm tiếp nối liền nhau, lập tức vào Phổ-đẳng Tam-muội của đức A-Di-Đà được Phật tiếp dẫn về cõi Cực Lạc Tây-phương. Vĩnh viễn xa lìa các đường ác, không còn luân hồi sanh tử.” (Trích trong Kinh Niệm Phật Ba La Mật)

Luân hồi sanh tử khổ đau
Khổ không sao nói cho hết
Khổ thân rồi đến khổ tâm

Khổ từ đời này sang đời khác
Khổ từ kiếp này sang kiếp khác
Người trí huệ tìm cách thoát khổ
Kẻ si mê thấy khổ vẫn vui


Cực Lạc là dứt luân hồi

Cực Lạc rất vui không khổ
Vui không sao nói cho hết
Vui thường hay nghe Pháp Phật
Vui gần Bậc Thượng Thiện Nhân
Vui cảnh Trang Nghiêm Cực Lạc
Vui trong tu hành giải thoát

Vui không sanh tử luân hồi
Vui không sanh, tử, bệnh, già

Vui không phiền não vui thiệt là vui


Khuyên ai gắng sức lo tu

Tu theo pháp môn Tịnh Độ một đời

Vãng Sanh Cực Lạc thoát khỏi phàm phu
Tu liền chớ nên đợi chờ

Đừng để cái chết gần kề
Hãy tu liền mau kẻo muộn
Pháp môn Tịnh Độ dễ lắm ai ơi
Người nào tu cũng được vãng sanh
Vãng Sanh Cực Lạc vui chừng biết bao

Chú thích:
(1) Khổ: có 8 cái khổ là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ái biệt ly khổ (người mình thương xa cách là khổ), oán tắng hội khổ (kẻ thù gặp nhau là khổ), cầu bất đắc khổ (cầu muốn điều gì mà không được là khổ), năm ấm hưng thạnh là khổ.
(2) 48 lời nguyện: tức là 48 lời nguyện của Pháp Tạng Tỳ Kheo trong quá khứ, nay là Phật A Di Đà. 48 lời nguyện của Ngài là tạo nên cõi Cực Lạc hiện nay và nguyện tiếp dẫn những chúng sanh mười phương chí tâm, tin, ưa muốn vãng sanh cõi Cực Lạc và trì danh hiệu Phật A Di Đà khi lâm chung. 48 lời nguyện của Phật A Di Đà đã thành tựu và Ngài đã thành Phật đến nay đã được 10 kiếp. (Muốn tìm hiểu đầy đủ về 48 lời nguyện của Phật A Di Đà, xin đọc Kinh Vô Lượng Thọ)
(3) Tha tâm thông: khả năng biết tâm chúng sanh muốn gì, suy nghĩ gì, nguyện gì…
(4) Phẩm vị vãng sanh: Cõi Cực Lạc có 9 phẩm vị vãng sanh: Thượng Thượng, Thượng Trung, Thượng Hạ, Trung Thượng, Trung Trung, Trung Hạ, Hạ Thượng, Hạ Trung và Hạ Hạ.
(5) Nghiệp: là hành động tạo tác của thân, khẩu và ý. Nghiệp có ba loại: Nghiệp Thiện, Nghiệp Ác và Nghiệp không thiện không ác. Nghiệp Thiện là hành động tạo tác thiện của thân, khẩu và ý. Nghiệp Ác là hành động tạo tác ác của thân, khẩu và ý. Nghiệp không thiện không ác nghĩa là hành động tạo tác của thân, khẩu và ý không thiện không ác.
(Hết)

Lời Khuyến Khích
Thuyết pháp giảng kinh, viết sách về giáo lý nhà Phật cho mọi người xem, để họ sớm giác ngộ, bỏ ác hành thiện. Được như thế thì công đức vô lượng.
Nếu không có điều kiện làm những việc ấy, thì thỉnh một số kinh sách rồi chịu khó đem đến từng nhà mượn đọc, và nên khuyên họ đọc xong photo ra thêm nhiều bản truyền cho người khác xem hoặc đọc cho những người lớn tuổi nghe, nhất là người không biết chữ. Được như thế công đức vô lượng, vô biên. Đó gọi là pháp thí, giống như ngọn đèn mồi qua trăm ngọn đèn khác đều sang.
Chính đức Phật đã dạy: “Trong các sự bố thí thì chỉ có pháp thí là công đức lớn nhất, không có công đức nào sánh bằng”.
Vì thế, chúng tôi tha thiết mong cầu các hàng đệ tử Phật xuất gia cũng như tại gia, chúng ta cố gắng đóng góp kẻ công, người của ấn tống kinh sách truyền bá giáo lý để duy trì mạng mạch Phật pháp làm lợi ích an lạc cho chúng sanh
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát

Mười Công Đức Của Việc Ấn Tống Kinh
1. Đã lỡ phạm tội, nếu tội nhẹ thì liền được tiêu tan, nếu tội nặng thì được chuyển thành nhẹ.
2. Thường được thiện thần ủng hộ, tránh khỏi tất cả ôn dịch, đao binh, giặc cướp, tù tội, lửa cháy, nước trôi v.v…
3. Nhờ chánh pháp mà những kẻ oán thù với mình trong kiếp trước được giải thoát nên tránh được sự khổ sở về tội báo thù.
4. Ác Quỷ Dạ xoa không thể xâm phạm, cọp đói, rắn độc không hại được.
5. Tâm được yên ổn, ngày không có sự nguy hiểm, đêm không có ác mộng, nhan sắc sáng sủa tươi tắn, khí lực dồi dào, việc làm tốt, lợi.
6. Hết lòng phụng sự chánh pháp, tuy không mong cầu nhưng cơm ăn áo mặc tự nhiên đầy đủ, gia đình hòa thuận phước thọ miên trường.
7. Lời nói và việc làm, trời, người đều hoan hỷ; đến nơi nào cũng được nhiều người kính mến.
8. Nếu ngu si thì chuyển thành trí huệ, bệnh tật chuyển thành lành mạnh, nguy hiểm chuyển thành yên ổn, nếu là đàn bà sau khi chết sẽ chuyển thành đàn ông.
9. Xa lìa các đường dữ ( địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh ), được sanh vào các cõi thiện ( người, trời ) tướng mạo đoan chánh, thông minh, xuất chúng phước lộc hơn người.
10. Đủ năng lực để gây căn lành cho chúng sanh, lấy tâm chúng sanh làm ruộng phước và sẽ thâu hoạch được nhiều quả tốt. Sanh vào chỗ nào cũng được thấy Phật, nghe pháp; ba thứ trí huệ ( văn, tư, tu ) mở rộng, chứng được sáu thần thông ( thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, túc mạng, thần túc và lậu tận thông) . Ấn tống Kinh, Tượng được nhiều công đức thù thắng như thế. Cho nên, gặp khi chúc thọ, cầu an, sám hối, cầu siêu, nên hoan hỷ cố gắng ấn tống.
Tags: , , ,
Thư từ, tin tức, bài viết xin gửi về địa chỉ chuagiaclam@yahoo.com. Để tìm hiểu về Chùa Giác Lâm xin bấm vào đây. Rất mong nhận được sự cộng tác của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và độc giả gần xa
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

0 comments

Leave a Reply

» Sử dụng tài khoản Blogger-Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, hoặc Tên/URL-Website [có thể bỏ trống URL], hoặc Ẩn danh [Anonymous] để đưa ra comment [nhận xét], nếu muốn.

» Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

» Vui lòng đăng nhận xét hòa nhã đúng mực và cố gắng gõ tiếng Việt có dấu nếu có thể. Rất vui vì những comment thiện chí, xin cảm ơn!